Thưởng vượt thu ngân sách để khuyến khích địa phương


Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, chiều 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Các nội dung của dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý là những vấn đề: Thưởng vượt thu ngân sách Nhà nước; ứng trước dự toán năm sau; chuyển nguồn ngân sách; quy trình ngân sách…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến.Ảnh: An Đăng – TTXVN


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan soạn thảo đảm bảo tính tương thích của Dự án Luật này với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thưởng vượt thu ngân sách là cần thiết bởi đây là kết quả nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các phương án thưởng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đặt ra trần phần trăm để khống chế mức thưởng vượt thu ở mức tối đa là 30% nhằm tạo điều kiện khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.

IPU - 132 nâng cao vị thế của Liên minh nghị viện thế giới

Cũng trong chiều 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đại hội đồng IPU-132 là thành công lớn của Liên minh nghị viện thế giới; là sự kiện nâng cao uy tín, vị thế của IPU. Đặc biệt, chủ đề của Đại hội đồng lần này hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 (tháng 9/2015). Đối với Việt Nam, đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, ngoại giao của đất nước thể hiện qua những nội dung, chủ đề được đề xuất tại các diễn đàn đều nhận được sự quan tâm chung, mang tính toàn cầu và tạo được sự đồng thuận lớn.

Đại hội đồng IPU-132 còn là một sự kiện mang tính văn hóa cao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Ngoài công tác nội dung, đây còn là thành công của các lĩnh vực: An ninh, y tế, lễ tân… và đặc biệt là công tác tuyên truyền, báo chí. Đây là kết quả của chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, triển khai tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phát triển ngành hàng hải tương xứng với tiềm năng

Trước đó, sáng 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Một số ý kiến đánh giá, Bộ luật Hàng hải đã được ban hành 10 năm, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta và bối cảnh quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi; cùng với đó, giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu của thực tế và tiềm năng của một quốc gia ven biển. Nhiều đại biểu yêu cầu cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân, lý do tại sao giao thông hàng hải nước ta chưa thể phát triển tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh; phân tích, làm rõ hơn những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành cần được tháo gỡ liên quan đến những vấn đề như về quy hoạch, xây dựng cảng biển, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải… Từ đó, mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật để có những sửa đổi lớn về chính sách, pháp luật, nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, biến nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Bên cạnh đó, cần rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định trong Bộ luật nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức tối thiểu các quy trình, thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế trong hoạt động hàng hải; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý về hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp trong nước trong tranh chấp quốc tế về hàng hải; tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định để nâng lên quy định trong luật.

Quỳnh Hoa - Quang Vũ

Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí
Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN