Thủ tướng: Tuyên Quang cần coi đầu tư hạ tầng KTXH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Căn dặn Tuyên Quang cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỉnh cần tiếp tục coi đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội (KTXH) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không để mâu thuẫn trong phát triển lâu dài; gìn giữ môi trường sống sạch và xanh đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2017 đã diễn ra sáng 27/2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và kêu gọi các nhà đầu tư xúc tiến các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh tại Tuyên Quang. 

Trong tổng số 15 dự án trọng điểm mà Tuyên Quang mời gọi đầu tư, có tới 6 dự án thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, bên cạnh đó là các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học…

Trong số 28 sản phẩm tiêu biểu của mảnh đất, con người Tuyên Quang được chọn để trưng bày, giới thiệu tại hội nghị có 5 sản phẩm chè, 3 sản phẩm gạo, 3 sản phẩm cá, 4 sản phẩm rượu, 1 sản phẩm miến, 1 sản phẩm đường kính và các sản phẩm khác như hoa quả, nấm...

Du lịch và hàng nông sản là những thế mạnh sẵn có của Tuyên Quang và được kỳ vọng sẽ là những mặt hàng chủ lực đem lại nguồn thu, từng bước đổi thay đời sống cho người dân đồng bào các dân tộc trên quê hương Thủ đô kháng chiến, giàu truyền thống Cách mạng này.

Xác định tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Tuyên Quang đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; thành lập ban chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời nhằm cải thiện môi trường thông thoáng, thuận tiện, thu hút các nhà đầu tư.

Đến nay, Tuyên Quang đã thu hút và ra quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 180 dự án với tổng vốn đăng ký trên 27 nghìn tỷ đồng, có trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong năm 2016, một số nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu và đầu tư tại Tuyên Quang như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang… Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký thỏa thuận đầu tư. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại hội nghị, các nhà đầu tư đánh giá cao tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, nhất là việc rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.

Nhấn mạnh đến thời điểm thiên thời, địa lợi nhân hòa đang tạo nên một lực hút lớn để đầu tư vào Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến dự án xây dựng đường nối Tuyên Quang với tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy đầu tư, phát triển KTXH toàn diện của Tuyên Quang. Thủ tướng khẳng định tán thành và đồng ý triển khai thi công con đường nối này có độ dài 40km và tỉnh đã chọn được nhà thầu thi công. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp giảm quãng thời gian di chuyển từ Thủ đô kháng chiến về Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút, kéo gần khoảng cách với các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc Tổ quốc.

Thủ tướng đánh giá cao sự nhiệt huyết, trách nhiệm của các nhà đầu tư với đất nước và với vùng đất Tuyên Quang thông qua nhiều dự án đầu tư được ký kết, triển khai, trong đó có nhiều dự án, công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Nhấn mạnh những tiềm năng riêng có của Tuyên Quang, Thủ tướng đề cập đến những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Nông nghiệp hữu cơ, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái; tài nguyên rừng phong phú và trên 200 điểm khoáng sản… Thủ tướng cho rằng đó là những lợi thế quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, tìm đến với Tuyên Quang.

Thủ tướng căn dặn chính quyền địa phương cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều hơn nữa các công trình, dự án đầu tư. Theo đó, Tuyên Quang cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để hạn chế phiền hà, tạo thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục coi đầu tư hạ tầng KTXH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không để mâu thuẫn trong phát triển lâu dài; gìn giữ môi trường sống sạch và xanh đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của địa phương. Đi cùng với đó là nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự. Thủ tướng đề nghị Tuyên Quang đào tạo lại lao động để có nguồn lao động tại chỗ dồi dào phục vụ phát triển tại địa phương; đảm bảo quyền lợi lâu dài cho doanh nghiệp trên tinh thần cả hai cùng thắng, cùng có lợi.

Mong muốn các nhà đầu tư xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Tuyên Quang; Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp này đảm bảo quyền và lợi ích, không ngừng nâng cao điều kiện sống cho người lao động. Doanh nghiệp nói và làm phải đi đôi với nhau, nhiều nơi tổ chức ký kết rầm rộ nhưng triển khai lại không đạt yêu cầu, Thủ tướng nói.

Lưu ý đến hai vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và luôn song hành với nhau là kinh tế và môi trường, Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại Tuyên Quang cần gìn giữ môi trường, nhất là môi trường nước bởi Tuyên Quang là đầu nguồn của những nhánh sông lớn, chảy về xuôi.

Khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ kiên định xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp và người dân. Chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo tính minh bạch trong quản lý Nhà nước trên nguyên tắc kinh tế thị trường; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trên mọi lĩnh vực để thu hút phát triển. Cùng với đó là ưu tiên phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng hội nghị xúc tiến đầu tư lần này sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho KTXH Tuyên Quang tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tại Hội nghị, tỉnh Tuyên Quang đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư thực hiện 6 dự án vào tỉnh Tuyên Quang với tổng vốn đầu tư: 3.691,9 tỷ đồng, tương đương 164 triệu USD. Tiêu biểu như: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp giống gia súc, gia cầm của Tập đoàn Dabaco tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương với công suất 4.800 lợn nái và 60.000 gà bố mẹ; tổng mức đầu tư 485 tỷ đồng…

Tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư lên ký cam kết đầu tư 6 dự án tại tỉnh Tuyên Quang với tổng mức đầu tư 18.289 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên Tuyên Quang trực tiếp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Bên cạnh việc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cho các nhà đầu tư, định hướng mời gọi đầu tư, hội nghị được kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực liên quan, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển.

* Nhân dịp công tác tại Tuyên Quang, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nhà máy Giấy An Hòa – Tập đoàn Geleximco, đây là một trong những nhà máy giấy có công suất lớn nhất cả nước và là cơ sở duy nhất tại Việt Nam sản xuất được bột giấy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty Cổ phần giấy An Hòa. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Công ty cổ phần Giấy An Hòa được thành lập năm 2002, là Chủ đầu tư của nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, bao gồm hai dây chuyền: Sản xuất bột giấy sợi ngắn tẩy trắng và giấy tráng phấn. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 223 ha tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Với công suất 130.000 tấn/năm, công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), công nghệ sản xuất bột giấy An Hòa có hệ thống thu hồi có khả năng thu hồi đến 95% lượng hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và giảm thiểu tối đa các chất thải ra môi trường. Đây là những ưu điểm lớn nhất của dây chuyền sản xuất bột giấy An Hòa. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất giấy cao cấp An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm. Hệ thống thiết bị của dây chuyền được đầu tư đồng bộ và hiện đại vào bậc nhất Việt Nam.

Tham quan dây chuyền sản xuất giấy, thị sát hệ thống xử lý chất thải, Thủ tướng đề nghị Ban lãnh đạo Nhà máy Giấy An Hòa đặc biệt coi trọng quy trình xử lý chất thải, áp dụng công nghệ tiên tiến và thường xuyên thanh, kiểm tra để đảm bảo quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững và gìn giữ môi trường sống cho người dân địa phương.

Quang Vũ - Văn Tý (TTXVN)
Cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Tuyên Quang
Cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Tuyên Quang

Nhờ trồng cây phật thủ, nhiều hộ dân ở xã miền núi Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã thoát nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN