Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 Bộ Công Thương

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Công Thương.


Năm 2015, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại đạt được những kết quả tích cực, nhất là sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.

Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả năm nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạnh xuất khẩu.

Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp,… là những yếu tố tích cực thúc đẩy tiêu dùng. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Năm 2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP. Với kết quả này, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác G20 và 7/7 đối tác của G7…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, sau khi nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong thành tựu chung mà cả nước đạt được, những đóng góp của ngành Công Thương là rất lớn, rất quan trọng, nhất là đóng góp cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và nhiều lĩnh vực khác.

Cơ bản đồng tình với báo tổng kết cũng như những nhiệm vụ mà ngành Công Thương đề ra cho năm 2016 cũng như cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, trước hết ngành Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi thể chế chính là tạo ra hạ tầng mềm, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì không thể phát triển bởi thể chế, cơ chế, chính sách là nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.

“Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách là việc của chúng ta; doanh nghiệp, người dân không thể làm thay được mà Nhà nước phải làm, trong lĩnh vực này thì trực tiếp là ngành Công Thương. Trên cơ sở hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch… các đồng chí phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không làm được điều này thì không thể thực hiện được yêu cầu đặt ra, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Cùng với đó là không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mang lại; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu bởi thị trường là yếu tố quyết định đối với sản xuất. Những gì còn vướng, còn khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải triệt để tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng mà trước hết những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông - thủy sản… Đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.

“Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chính trị, xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới là ngành Công Thương cần quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh ở từng lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khăn khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận để doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Thiện Thuật
10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương
10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương

Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2015, trong đó các sự kiện nổi bật như kết thúc đàm phán TPP, phát điện Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN