Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Trong khuôn khổ kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, chiều nay (30/6) và ngày mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp trực tuyến với các địa phương về kinh tế xã hội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là kỳ họp quan trọng, nhằm đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2016.

Nêu rõ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thảo luận, xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện các chủ trương này trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương, bởi đây là điều kiện quan trọng tạo cơ sở giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Cùng với đó, các địa phương cũng cần tự nhìn nhận hiệu quả từ công tác quản lý điều hành, đánh giá mức độ hiệu quả của bộ máy chính quyền đã thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng cũng lưu ý những kinh nghiệm, bài học trong công tác chỉ đạo, điều hành cần rút ra từ những vụ việc xảy ra gần đây.

Thủ tướng cho biết, nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường ở một số tỉnh miền Trung đã đến thời điểm công bố và đúng như lời hứa, chiều nay (30/6), Chính phủ công bố nguyên nhân và những biện pháp đã triển khai để xử lý vấn đề này; đồng thời, đặt vấn đề rút ra bài học trong công tác quản lý môi trường. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc nửa đầu năm, GDP cả nước ước tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 6,32%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm kinh tế cần tăng trưởng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay không còn dư địa trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.

Việc tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chi tiêu về bội chi, nợ công và nợ Chính phủ đến cuối năm 2016, khiến có thể vượt trần cho phép. 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,4%; bình quân tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,07% so với tháng 12/2015. Sau sự kiện "Brexit", tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và chỉ sổ chứng khoán đều có biến động, nhưng đến nay đã dần ổn định trở lại. Nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay theo chi đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về chỉ tiêu thu ngân sách, nửa đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước đạt 49%. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt thấp, chỉ tăng 5,9%, thấp nhất so mức tăng cùng kỳ 6 năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm tăng 10%. Tăng trưởng thấp có một phần nguyên nhân từ việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, gồm cả vốn trải phiếu Chinh phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu cho rằng, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 01 năm 2016, Nghị quyết số 19 năm 2016 và Nghị quyết số 35 năm 2016 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Song song đó là thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao nâng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; thực hiện tốt các nhiệm vụ tài chính ngân sách. Cũng tại buổi họp trực tuyến chiều nay, liên quan đến việc xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, đại diện UBND Thành phố Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo tháo dỡ 328m2 sàn ở tầng 19.

Trong tiến trình này, Chủ đầu tư có biểu hiện chậm trễ, Thành phố sẽ kiên quyết triển khai, xử lý nghiêm. Tới đây thành phố sẽ chỉ đạo quận Ba Đình ứng kinh phí để tổ chức tháo gỡ công trình và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Về vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội cần kiên quyết xử lý, không để kéo dài vụ việc. Thủ tướng đề nghị thành phố cần có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, lấy việc xử lý sai phạm tại công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại kỷ cương trong trật tự đô thị, để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo các tỉnh đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng tự nhiên. Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nguyên phải đi đầu thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, có bộ máy quản lý hiệu quả, không để xảy ra tình trạng phá rừng, nâng cao tỷ lệ diện tích che phủ rừng.

Ngày mai, Chính phủ tiếp tục Phiên họp trực tuyến về phát triển kinh tế - xã hội.

Quang Vũ (TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu xử lý kiên quyết Dự án 8B Lê Trực
Thủ tướng yêu cầu xử lý kiên quyết Dự án 8B Lê Trực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố Hà Nội có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các hành vi ngăn cản, gây khó khăn của các bên tham gia, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng đối với Dự án 8B Lê Trực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN