Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII:

Thu thuế môi trường nhằm định hướng hành vi của người tiêu dùng

Sáng 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Đa số các đại biểu nhất trí với giải trình, tiếp thu của UBTVQH, cần xác định rõ bản chất, mục tiêu của luật này là góp phần bảo vệ môi trường; mục đích chính là định hướng hành vi của người tiêu dùng, góp phần hạn chế tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm; sau đó là bổ sung nguồn thu hợp lý cho ngân sách nhà nước. Thuế BVMT là loại thuế thu vào sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế được tính vào giá hàng hóa, người tiêu dùng trả thuế trong giá vào thời điểm mua hàng hóa. Thuế BVMT được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm sẽ phải nộp thuế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt vấn đề: Tại sao không định hướng cho cả 2 đối tượng là người sản xuất và người tiêu dùng? Đại biểu cho rằng, người tiêu dùng cũng khó có sự lựa chọn khác kể cả khi người sản xuất gây ô nhiễm trong quá trình làm ra các sản phẩm, hàng hóa. Người sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm cũng phải là người chịu thuế chứ không chỉ người tiêu dùng. Theo UBTVQH, trên thực tế, người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm. Mục đích của việc áp dụng thuế là định hướng, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa và thể hiện sự điều tiết của Nhà nước nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Do vậy, quy định người tiêu dùng là người chịu thuế, người sản xuất, người nhập khẩu là người nộp thuế là hợp lý.

Đề cập những quy định cụ thể, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị tăng mức thuế đối với túi nilông thuộc diện chịu thuế lên cao hơn vì khả năng phân hủy của mặt hàng này rất kém (hàng trăm năm), có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường.

Cho rằng giải trình tiếp thu của UBTVQH về việc không đưa thuốc lá vào diện đối tượng chịu thuế là chưa thỏa đáng, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An), Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) tiếp tục đề nghị đưa loại sản phẩm này vào diện chịu thuế BVMT. Theo các đại biểu, thuốc lá đang gây nhiều ảnh hưởng, tác hại đến sức khỏe và môi trường trong khi các quy định xử phạt liên quan còn ít và chưa nghiêm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh thêm mục đích thu thuế BVMT là áp vào khâu sử dụng, không áp vào khâu sản xuất. Đa số ý kiến muốn mở rộng đối tượng chịu thuế, tuy nhiên việc này cũng cần tùy thuộc vào khả năng, sẽ bổ sung dần, làm có lộ trình. Đối với một số sản phẩm, hàng hóa cụ thể như túi nilông, thuốc lá, xăng dầu, sẽ nghiên cứu, cân nhắc thêm trong điều kiện cụ thể của quốc gia, đảm bảo sự linh hoạt để thuận lợi trong điều hành.

Chiều 21/10, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các vấn đề về loại hình bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, điều kiện cấp phép, trích lập quỹ, thanh tra chuyên ngành bảo hiểm...

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung luật để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với các luật có liên quan.


Theo các đại biểu, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, công ty cổ phần bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu đề nghị có yêu cầu bắt buộc về năng lực tài chính để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với những điều kiện, tiêu chí bắt buộc, bởi cũng như hoạt động ngân hàng, chứng khoán, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đặc thù trong lĩnh vực tài chính, cần phải có những yêu cầu bắt buộc về năng lực tài chính đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số đại biểu cho rằng việc doanh nghiệp bảo hiểm trích lập quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, luật cần quy định cụ thể nguyên tắc về tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý và sử dụng quỹ. Một số đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về quyền lợi của người đóng bảo hiểm...

Thanh Hòa - Bích Thủy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN