Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Thảo luận dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật An toàn vệ sinh lao động

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.

Bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật và nhấn mạnh dự án Luật cần thể hiện rõ hơn theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, để phù hợp với yêu cầu kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; đổi mới chế độ chính sách đối với người thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Phùng Khắc Đăng phát biểu tại tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) khẳng định: Hiến pháp năm 2013 đã quy định bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia nền quốc phòng toàn dân.

Vì vậy, thực hiện nghĩa vụ quân sự là những người trong độ tuổi theo quy định của luật phải thực hiện và mọi công dân bằng cách này hay cách khác, khi Nhà nước cần thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Để bảo đảm công bằng, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về nghĩa vụ thay thế để mọi công dân trong độ tuổi (kể cả những người đã học cao đẳng, đại học) bằng hình thức này hay hình thức khác đều có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh hình thức thay thế, cần kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng. Đối với một số binh chủng kỹ thuật như phòng không không quân, hải quân... kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 3 năm. Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng đồng thời tăng tuổi nhập ngũ tói đa từ 25 lên 27 tuổi để bảo đảm các đối tượng được miễn, hoãn vẫn có thể tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) nhận định: Việc tăng thời hạn tham gia nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng cần nghiên cứu phản ứng của xã hội về vấn đề này. Bởi thực tế qua giám sát năm 2012 về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và công dân thực hiện có thời hạn trong Công an Nhân dân cho thấy: hàng năm có khoảng 7 triệu thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, chỉ gọi vào phục vụ trong quân đội 5,79%. So với tổng dân số, số được gọi vào quân đội để phục vụ hàng năm là 0,12%. Trong số đã vào quân đội, có tới 85% là con em nông dân, còn lại 15% là con em của cán bộ công chức, viên chức, tri thức, doanh nhân, tiểu thương.

Bình quân từ 2005-2012, chỉ có khoảng 4,75% trong tổng số lấy vào quân đội có trình độ cao đẳng và đại học. Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (kể cả đăng ký, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ), có những chế tài mạnh mẽ nhưng từ 2005-2012 chỉ xử lý hình sự được 4 vụ, còn lại là xử lý hành chính. Có ý kiến người dân cho rằng nếu đưa xuống 12 tháng, nếu là nữ cũng sẵn sàng xung phong đi nghĩa vụ quân sự bởi 12 tháng không nhiều, sau khi tốt nghiệp đại học xong có thể đi nhập ngũ để thay đổi môi trường sống. Vậy vấn đề đặt ra là kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự liệu có khả thi không hay tình trạng trốn tránh còn nhiều hơn nữa? - đại biểu Trường đặt vấn đề. Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị nên giữ nguyên độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự là 25 tuổi.

Góp ý điều kiện đối với yếu tố bình đẳng giới trong luật, đại biểu Bùi Trí Dũng (An Giang) cho rằng dự án luật cần có quy định về điều kiện đối với các nữ thanh niên muốn tham gia nghĩa vụ quân sự để có thể bảo đảm quyền công dân, thể hiện lòng yêu nước ở tất cả các giới.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác an toàn vệ sinh lao động

Nhất trí về sự cần thiết và quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật An toàn vệ sinh lao động, các đại biểu Quốc hội nêu rõ: Vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững, đồng thời, thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35 và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp năm 2013, cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.

Đa số các đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả người lao động: trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Bởi, theo đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), thực tế hiện nay có hơn 60% người lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Để đảm bảo tính khả thi, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.

Liên quan đến quy định về thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động, các đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) đề nghị chỉ quy định ở cấp Bộ và cấp tỉnh như Luật thanh tra. Đại biểu Phạm Thị Thu Hồng phân tích: Việc phân cấp thẩm quyền thanh tra cho cấp huyện trong dự án Luật chưa phù hợp với Luật thanh tra. Đồng thời, nếu thành lập thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện trực thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có từ 1-2 người sẽ làm "mất" khoảng 1.000 biên chế trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ thanh tra cấp huyện chỉ có 1-2 người sẽ không bảo đảm được việc thanh kiểm tra lao động và thiết bị an toàn vệ sinh lao động.

Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Về quy định quản lý đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...


Phúc Hằng - Thu Phương

Nhiều ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Nhiều ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8, chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN