Tạo môi trường mới cho khoa học công nghệ

Phát minh, sáng chế của những nhà khoa học “chân đất” bị “gác” lại, tình trạng “chảy máu” chất xám, cũng như việc thiếu đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ... là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.


Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích người dân, kể cả những người không có bằng cấp đam mê sáng tạo để phục vụ cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, những sáng tạo của người dân ở mức cải tiến kỹ thuật hay những sáng chế cao hơn nữa, hoặc những sản phẩm có thể thương mại hóa, cũng nên làm có bài bản, để được xã hội và các cơ quan quản lý chấp nhận. Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sáng kiến, trong đó, quy định rõ, người dân làm những gì và cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ những gì.

Do đó, ngay từ khi có ý tưởng, người dân cần liên hệ với cơ quan quản lý về khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã yêu cầu 63 sở khoa học công nghệ quan tâm đến những sáng kiến của mình. Khi người dân tìm đến, cơ quan quản lý phải có hướng dẫn, hỗ trợ, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Đối với những sản phẩm liên quan đến an ninh, quốc phòng, khi chế tạo phải liên hệ với cơ quan quản lý để được hướng dẫn, bởi những sáng chế này khi lưu hành sẽ ảnh hưởng đến an ninh, tính mạng con người và cả tài sản của chính người sáng chế. Những năm qua, nhiều sáng kiến của người dân đã được Bộ KHCN hỗ trợ thông qua các hội chợ công nghệ và thiết bị, nhiều người đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh chính sản phẩm của mình.

Liên quan đến chính sách cho người tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, thì việc “chảy máu chất xám” là hiện tượng đáng quan tâm. Tuy nhiên, những sinh viên giỏi trong nước ra nước ngoài học mà có nguyện vọng ở lại nước đó, Việt Nam nên chấp nhận. Nếu không, chúng ta phải tạo ra môi trường dù không được như những nước phát triển, nhưng ít nhất cũng giúp họ có thể phát huy được khả năng. Bộ KHCN đang báo cáo với Chính phủ xây dựng cơ sở nghiên cứu có điều kiện làm việc tương đối thuận lợi, đó là, xây dựng Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.

“Chúng tôi cố gắng tạo ra môi trường nghiên cứu tương đồng với các nước phát triển, với đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu, thông tin và cao hơn cả là họ có những đồng nghiệp nghiên cứu tốt nhất ở trong nước và nước ngoài. Như vậy, tôi tin sẽ thu hút được những sinh viên giỏi học tập ở nước ngoài về nước làm việc”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, việc đầu tư cho các phòng thí nghiệm ở trong nước hiện ở mức thấp, lại dàn trải, bởi nền kinh tế nước ta đang ở mức phát triển thấp, chưa vượt qua được ngưỡng của một nước trung bình. Bộ KHCN đã trình với Chính phủ về danh mục các dự án đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, theo quy định hiện hành, kết quả nghiên cứu sau khi được đánh giá nghiệm thu phải được công bố công khai. Bộ KHCN đã giao cho Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia là cơ quan đầu mối tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu sau khi được đánh giá nghiệm thu. Các chủ nhiệm đề tài và các cơ quan chủ trì, sau khi đánh giá nghiệm thu đạt hay xuất sắc đều phải bàn giao lại hồ sơ đánh giá của đề tài cho Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia. Cục này có trách nhiệm thông tin tất cả các đề tài trên mạng, trên cổng thông tin điện tử của cục. Đến nay, có khoảng trên 60% các đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp bộ sau khi nghiệm thu đã giao nộp kết quả. Việc giao nộp kết quả là điều kiện tiên quyết để thanh lý hợp đồng với cơ quan chủ trì, nhưng nhiều cơ quan chủ trì đã không thực hiện đúng, nên việc thanh lý hợp đồng và quyết toán đề tài bị chậm trễ và không đúng tiến độ. Tới đây, Bộ KHCN sẽ làm chặt hơn, nếu đề tài nào không nộp kết quả sau khi nghiệm thu sẽ không được thanh lý hợp đồng và không quyết toán.

Trọng Thủy

Những “nhà khoa học chân đất” - Kỳ 1: “Vua” sáng chế
Những “nhà khoa học chân đất” - Kỳ 1: “Vua” sáng chế

Anh nông dân Hứa Văn Long, dân tộc Tày, ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), được mệnh danh là “vua” sáng chế của tỉnh, với 2 sáng chế máy tách ngô và máy ép nén phân viên nén dúi sâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN