Tạo cơ hội để doanh nhân tham gia Quốc hội

Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi cơ cấu dự kiến đại biểu là doanh nhân giảm gần 4 lần so với Quốc hội khóa 13 (đại biểu doanh nhân Quốc hội 13 có 38 đại biểu).

Với cơ cấu lần này, nhiều ý kiến cho rằng đại biểu doanh nhân chưa hợp lý, nhất là trong thời kỳ hội nhập cần sự đóng góp nhiều hơn của lực lượng này. Thực tế, doanh nghiệp tư nhân đã không ngừng lớn mạnh. Theo thống kê phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp với khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân và phấn đấu tăng lên 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đại hội Đảng 12 cũng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, nếu so sánh về cơ cấu với các thành phần khác thì dự kiến đại biểu doanh nhân hiện nay là vừa phải. Nhưng ông vẫn mong rằng, sẽ có sự điều chỉnh thích hợp để đại biểu doanh nhân tham gia ứng cử nhiều hơn. “Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi cũng đã trao đổi với các ngành có liên quan về vấn đề này. VCCI cũng đang cùng với các doanh nghiệp, cơ quan giới thiệu đại biểu là doanh nghiệp tham gia ứng cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại các địa phương”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Quốc hội khóa 13 có 2 đại biểu là doanh nhân bị bãi nhiệm; đây là điều rất đáng buồn và là bài học sâu sắc cho việc lựa chọn đại biểu cho Quốc hội khóa tới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hạn chế đại biểu doanh nhân vào Quốc hội hay làm ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng doanh nghiệp.

“Những đại biểu doanh nhân được Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, lựa chọn bài bản thì hoạt động rất tích cực, có trách nhiệm tại Quốc hội khóa 13. Họ đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, nhất là góp ý về các vấn đề kinh tế vì có nhiều kinh nghiệm cọ xát trên thương trường”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho biết. Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, dù đại biểu thuộc thành phần, lĩnh vực nào thì cũng đều phải có tâm, có tài, nhiệt huyết, thực lòng muốn đóng góp cho đất nước. Những đại biểu doanh nghiệp hoạt động tích cực cần phải được ghi nhận, vi phạm pháp luật thì bị xử lý.

Đại biểu Trương Minh Hoàng cũng nhận định, cơ cấu thành phần đại biểu khóa 14 có nhiều thay đổi cho phù hợp với hoạt động của Quốc hội; từ đó Quốc hội hoạt động thực chất hơn, chất lượng hơn. Cơ cấu này cũng đã được tính toán. Bởi như Cà Mau, Quốc hội khóa 13 không có đại biểu là doanh nhân, nhưng cơ cấu trong Quốc hội khóa 14 lại có 1 đại biểu là doanh nhân.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, quan trọng nhất là phải tìm được đại biểu có chất lượng, gánh vác được trọng trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. “Đại biểu phải có chính kiến, thu thập được nhiều thông tin, phản ánh đầy đủ nguyện vọng của cử tri; không thể mờ nhạt trong suốt nhiệm kỳ, thậm chí không có ý kiến đóng góp gì. Bên cạnh đó, khi giới thiệu đại biểu ứng cử phải được rà soát, kiểm định ban đầu, tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Trong lần Hiệp thương lần thứ nhất, đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng cho biết, cơ cấu này mới chỉ là dự kiến, mang tính định hướng ban đầu. Các doanh nhân có thể ứng cử nếu có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn. 

Xuân Phong
Hội đồng bầu cử Quốc gia họp Phiên thứ ba
Hội đồng bầu cử Quốc gia họp Phiên thứ ba

Chiều 3/3, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp Phiên thứ ba dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN