Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo chức danh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới là tăng cường đào tạo bồi dưỡng theo chức danh.


PGS.TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện cho biết: Thực hiện chủ trương trên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng được khung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các chức danh cụ thể như: khung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị, đại biểu Quốc hội, các vị trí chủ chốt của bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện, lãnh đạo cấp vụ và tương đương; khung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, cán bộ lãnh đạo các ban Đảng, khung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý làm công tác báo chí, xuất bản và công tác tư tưởng… Khung chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức mang tính hệ thống cho học viên mà quan trọng hơn là hướng tới cung cấp những kỹ năng, những bài tập tình huống xử lý trong thực tiễn.

Tiếp công dân là một trong các kỹ năng cần thiết được đào tạo của các cán bộ lãnh đạo chính quyền, cấp ủy cơ sở.


Cụ thể hóa chủ trương trên, năm 2014, Học viện đã mở 3 lớp bồi dưỡng các bí thư cấp ủy cấp huyện. Đây là nguồn cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt của địa phương. Khóa học nhằm bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới về đường lối, quan điểm của Đảng, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và phương pháp công tác của bí thư cấp ủy cấp huyện; góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, đạo đức để các bí thư quận ủy, huyện ủy hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện mục tiêu của chương trình bồi dưỡng này, Ban Giám đốc Học viện, Ban chỉ đạo lớp học đã lựa chọn, xác định những vấn đề cần thiết đưa vào chương trình lớp học cho phù hợp. Trong quá trình xây dựng nội dung chương trình, Học viện đã tham khảo các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo của các ban, ngành Trung ương, các bí thư quận, huyện. Nội dung cơ bản được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu gồm 3 phần: Lý luận chung, phần kỹ năng lãnh đạo và phần báo cáo kinh nghiệm thực tiễn.

Nội dung chương trình đã cập nhật, làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hội nhập và quốc tế, hợp tác và phát triển.

Chương trình đã chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống của bí thư cấp ủy cấp huyện trên các mặt công tác như: kỹ năng ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết và tổng kết thực tiễn; kỹ năng lãnh đạo công tác cán bộ; kỹ năng xử lý các tình huống chính trị, xung đột xã hội; kỹ năng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của huyện ủy và bí thư huyện ủy; kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của chính quyền và các cơ quan tham mưu của cấp ủy huyện...

Phần báo cáo kinh nghiệm, Ban Tổ chức lớp học đã tìm hiểu, lựa chọn một số địa phương có những điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác như kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, khai thác nội lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kinh nghiệm xử lý các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, kinh nghiệm lãnh đạo cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng... Các báo cáo viên đều là bí thư đương nhiệm hoặc từng là bí thư cấp ủy cấp huyện. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn sống động ở những địa phương. Cùng với đó, các học viên được đi thực tế tại một số địa phương tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, thăm quan các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đó thực sự là những kinh nghiệm quý báu, gợi mở để các bí thư cấp ủy cấp huyện phát triển tư duy lý luận gắn với lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương.

Qua 3 lớp học, 176 bí thư cấp ủy cấp huyện đã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Sau khóa học, trở lại vị trí công tác đầy trọng trách của mình, trong hành trang làm việc, các bí thư cấp ủy cấp huyện sẽ có thêm kiến thức quý báu thu hoạch được sau khóa học.

Vinh dự được học tập tại trường Đảng mang tên Bác kính yêu, đồng chí Lê Tiến Nhật, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: nhiều học viên rất tâm đắc với nội dung, chương trình lớp bồi dưỡng. Đặc biệt, lớp học áp dụng phương pháp dạy và học mới, tích cực, theo hướng biến quá trình học tập thành quá trình tự học, tự nghiên cứu, với ý thức chủ động, tự giác của mỗi học viên.

Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện - đội ngũ cán bộ với vị trí công tác đặc thù hết sức quan trọng trong hệ thống Đảng, chính là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn đổi mới. Thực tiễn tổ chức triển khai Lớp bồi dưỡng Bí thư cấp ủy cấp huyện đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời chủ trương mở các lớp bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.


Hương Thủy
Tuyên Quang cần tiếp tục quan tâm đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số
Tuyên Quang cần tiếp tục quan tâm đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2 của tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN