Phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nga nhân kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao

Nhân kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn, người đã có nhiều năm thâm niên công tác. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

PV: Thưa Đại sứ, là người có nhiều năm công tác trong ngành ngoại giao, xin Đại sứ cho biết những thành tựu của ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua?

Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Có thể nói từ khi nhà nước Việt Nam DCCH ra đời năm 1945, với tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ trên quảng trường Ba Đình, chúng ta đã thấy rõ chính sách đối ngoại của chúng ta. Nó rất rõ - nền ngoại giao nhân dân. Chúng ta hội nhập với thế giới ngày nay cũng trên nền tảng tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống của tổ tiên ông bà chúng ta để lại đó là chính sách hòa hiếu và đoàn kết. Cho nên với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" Bác Hồ đã nêu cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới hình thành nước Việt Nam DCCH cho đến bây giờ có thể nói chính sách ngoại giao của chúng ta vẫn đang áp dụng một cách có hiệu quả.
   

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.


Chúng ta vận động, đoàn kết, chúng ta đấu tranh. Trong 2 cuộc kháng chiến nếu không có chính sách rất khôn khéo của Đảng và nhà nước đứng đầu là Bác Hồ, với nền ngoại giao nhân dân, có thể nói chúng ta tranh thủ tất cả các kênh trong đời sống chính trị xã hội của đất nước để liên kết với các lực lượng hòa bình trên thế giới để ngăn chặn cuộc chiến tranh, có thể mở rộng nếu chúng ta không vừa đấu tranh vừa đàm phán trong thời kỳ chúng ta kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt nước Việt Nam DCCH non trẻ đã vận dụng chính sách đối ngoại rất nhuần nhuyễn với tư tưởng Hồ Chí Minh từ lúc đó, chúng ta đã dĩ bất biết ứng vạn biến, biến yếu thành mạnh, dùng nhu để thắng cương. Và chính sách ngoại giao của chúng ta luôn tạo cho chúng ta thế chủ động, dành cho đối phương những bị động. Đồng thời chúng ta biết tranh thủ dư luận quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân các tầng lớp xã hội, bạn bè các nước trên thế giới cho nên chúng ta đã giành được chiến thắng trước thực dân và đế quốc.
    
Chính sách ngoại giao của chúng ta lúc đó là vừa đánh vừa đàm, trên chiến trường ta dùng áp lực về quân sự song trên bàn đàm phán chúng ta lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn. Và chúng ta đã vận dụng khéo léo chính sách đối ngoại của chúng ta lúc bấy giờ là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Cũng như bây giờ khi hội nhập với thế giới thì chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN. Cho nên 70 năm qua có thể nói đánh giá chung với góc độ một nhà ngoại giao, tôi cho rằng từng thời kỳ đã có những bước đi khác nhau. Trong hoàn cảnh chiến tranh chúng ta vừa đánh vừa đàm. Chúng ta tranh thủ mặt trận ngoại giao để mở rộng sự ủng hộ của quốc tế. Chúng ta dùng các biện pháp quân sự, các chiến dịch ở trong nước để áp đảo thế của đối phương trên bàn đàm phán. Tôi cho rằng chính sách ngoại giao của chúng ta 70 năm qua đã chứng minh là lời nói của Bác Hồ hoàn toàn đúng bởi trong bất cứ điều kiện nào thì ngoại giao không thể không "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức là phải lựa thời cơ. Chúng ta phải lựa tình thế để chuyển yếu thành mạnh, chuyển bị động thành chủ động. Và chúng ta đã thành công.

Truyền thống của ông cha chúng ta là lấy nhu thắng cương. Chứ không lấy cương để chống cương. Tức là chúng ta lấy lạt mềm để buộc chặt, lấy thuyết phục và chinh phục để khuất phục chứ không có đương đầu. Cho nên chính sách đó hiện nay đang được áp dụng có hiệu quả. Tôi cho rằng 70 năm qua, từng giai đoạn hình thành, phát triển của nước Việt Nam DCCH đến nước CHXHCN Việt Nam ngày nay đều có đường lối chính trị đối ngoại qua từng kỳ đại hội đảng, mà chúng ta xác định rất rõ vấn đề hội nhập. Trước hết là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Rồi đến thời kỳ đổi mới. Rồi chúng ta hội nhập dần với quốc tế thông qua khu vực. Chúng ta gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Rồi tiến tới mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nó đang đem lại hiệu quả rất rõ nét là Việt Nam tạo được thế xen kẽ chân vạc. Chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế một cách sâu rộng. Khi bạn bè quốc tế thấy được nền ngoại giao của chúng ta là ngoại giao đi từ nhân dân. Nền ngoại giao đi từ tấm lòng, truyền thống dân tộc, để hội nhập với thế giới cho nên vận dụng ngoại giao nhân dân, kết hợp với truyền thống dân tộc, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với các nghị quyết từng đại hội đảng.
   
Kể từ sau khi thành lập nước Việt Nam DCCH đến này tôi cho rằng ngoại giao chính trị đối ngoại, ngoại giao nói chung của chúng ta trong từng thời kỳ đã có bước trưởng thành rất to lớn. Và 70 năm qua nó đã đưa Việt Nam từ một quốc gia nô lệ, thuộc địa trở thành một quốc gia là thành viên đầy đủ của rất nhiều tổ chức lớn trên thế giới. Đặc biệt, quan trọng nhất và là nền tảng là thành viên LHQ. Và chúng ta hiện nay đang phát huy rất tốt vai trò, vị thế của đất nước trên các diễn đàn quốc tế đa phương, trong đó có diễn đàn LHQ rất quan trọng. Kể cả ở New York, Brussels, Geneva, chúng ta đều thể hiện vai trò như một quốc gia đầy đủ trách nhiệm là thành viên LHQ. Chúng ta đã trở thành thành viên WTO. Chúng ta tham gia rất nhiều sân chơi quốc tế mà có thể nói rằng bạn bè quốc tế đánh giá chúng ta không thua kém các quốc gia phát triển. Chính trị đối ngoại đem lại cho chúng ta vị thế tốt. Vấn đề bây giờ là phải củng cố kinh tế để phát triển bền vững và hội nhập với quốc tế, để có thể có những giao lưu trao đổi, không phải chỉ về kinh nghiệm đối ngoại trong ngoại giao mà chúng ta còn có thể trao đổi, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực kinh tế mà chúng ta có thể có thế mạnh.
    
PV: Thưa Đại sứ, những bước đi của ngành ngoại giao trong tình hình mới hiện nay sẽ là gì, xin Đại sứ khái quát những bước đi đó?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Như tôi đã nói, ngành ngoại giao của chúng ta được hình thành từ ngoại giao nhân dân và truyền thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nền tảng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thì hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách đối ngoại hội nhập sâu rộng với thế giới, những vẫn giữ được thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Đấy mới là điều khó, đấy mới là điểm mà chúng ta đang thực hiện chính sách đối ngoại một cách khéo léo. Bởi người ta không nói tới vấn đề Việt Nam là ai.

Người ta đang nói tới Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có bước phát triển tốt, và một quốc gia đang đi vào xu hướng phát triển tốt, hội nhập với thế giới tốt. Người ta không còn lo ngại Việt Nam là quốc gia cộng sản hay Việt Nam là quốc gia đi theo con đường XHCN. Người ta thấy rằng cái XHCN của Việt Nam đang hội nhập tốt với thế giới , XHCN của Việt Nam đang chứng minh với bạn bè thế giới thấy tính ưu việt của nó trong giai đoạn hiện nay. Và chúng ta giữ bản sắc của chúng ta. Chúng ta hội nhập với thế giới để chúng ta mở rộng giao lưu và tăng cường nền tảng hòa bình đối với quốc gia của chúng ta đồng thời thể hiện tư tưởng hòa bình của dân tộc chúng ta đối với bạn bè quốc tế.


Chính vì vậy, Đại hội đảng lần thứ 11 cũng khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam và đường lối của chúng ta là tiếp tục hội nhập với thế giới. Và dự thảo nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 tới đây cũng khẳng định đường đi của chúng ta là tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới. Bởi chúng ta không thể phát triển mà không có thế giới xung quanh. Nhưng chúng ta phát triển, song vẫn giữ được lập trường, thể chế, giữ được quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta mà không bị phụ thuộc. Tôi cho đây là chính sách đối ngoại rất đúng. Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế hiện nay được bạn bè quốc tế đánh giá rất là tốt. Chúng ta đã có quan hệ sâu rộng giữa ĐCS Việt Nam với nhiều đảng cầm quyền trên thế giới và chúng ta đã ký được một số các hiệp định hợp tác với các đảng cầm quyền trên thế giới, trong đó có Đảng Nước Nga Thống nhất của Nga, một số nước Đông Nam Á. Tôi cho rằng chúng ta hội nhập với thế giới để chứng minh rằng chúng ta không đe dọa bất cứ quốc gia nào, chúng ta không muốn dùng các biện pháp vũ lực hoặc các biện pháp có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa quốc gia này với quốc gia khác. Hay là chúng ta không liên kết với ai để chống ai đó. Chúng ta muốn có một chính sách độc lập tự chủ của chúng ta trong hội nhập với thế giới. Chúng đã đem lại lợi ích cho đất nước. Nước chúng ta đang từng bước phát triển rất tốt. Có thể nói bộ mặt đất nước, xã hội của chúng ta đang thay đổi một cách rõ rệt. Đấy là nhờ hội nhập. Sự hội nhập đó dựa trên nền tảng 70 năm phát triển và 70 năm chúng ta vận dụng tốt chính sách ngoại giao dĩ bất biến ứng vạn biến trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
    
Tôi nghĩ trong thời gian tới với chủ trương tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới thì chúng ta sẽ đưa quốc gia chúng ta, với nền ngoại giao rất khéo léo, với chính sách đối ngoại phù hợp, với từng điều kiện phát triển của đất nước chúng ta trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn. Trước hết chúng ta hội nhập với khu vực, hội nhập với bạn bè truyền thống rồi hội nhập với cộng đồng thế giới. Những điều đó đem lại các lợi ích thiết thực cho chúng ta. Và qua từng thời kỳ chúng ta đánh giá, tổng kết. Cái hay của chúng ta là có đánh giá tổng kết theo từng thời kỳ, có thể 5 năm, có thể 10 năm, chính sách đối ngoại của chúng ta đối với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới để chúng ta rút kinh nghiệm mà như ông cha ta đã nói là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhưng mà muốn học được một sàng khôn thì chúng ta phải biết được mình.
    
Và trên cơ sở chính sách đối ngoại khéo léo, chủ động của chúng ta. Chúng ta luôn biến thù thành bạn, chúng ta không đường đầu. Chúng ta không gây mất đoàn kết và không có tinh thần có thể nói là hiếu chiến. Hay là chúng ta không có mong muốn gây ra xung đột với các nước láng giềng hoặc bạn bè trong khu vực, thì chính sách của chúng ta, cách ứng xử của chúng ta sẽ được đông đảo dự luận thế giới ủng hộ và đấy là thắng lợi của chúng ta. Đây là nền tảng để chúng ta có thể thu hút được đầu tư, giúp đỡ, thu hút được sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để phát triển đất nước. Tôi cho là trong thời gian tới, với đường lối chính sách mà Đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến, được thảo luận tại đại hội, tôi cho là nó sẽ thành công, sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước trong tương lai không xa.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ.
  

Duy Trinh - Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)
Ngành ngoại giao cần học tập phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
Ngành ngoại giao cần học tập phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao, chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật đại diện các thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN