Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Hà Nam cần phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ngày 7/4, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về đánh giá kết quả, tình hình thực Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm 2016 và quý I/2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nam đã có bước phát triển khá toàn diện, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức độ tăng trưởng chung của cả nước.

Đặc biệt, tỉnh đã phát huy lợi thế để tạo ra được bước chuyển dịch phát triển kinh tế đúng hướng, có những đột phá trong thu hút đầu tư FDI, có hướng triển khai rất mạnh các dự án về du lịch, đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Nam cần phát huy tốt hơn nữa lợi thế của mình và làm tốt khâu quy hoạch.

Trong nông nghiệp, tỉnh cần tập trung phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo hướng khép kín bởi Hà Nam là tỉnh giáp với thành phố Hà Nội - thị trường lớn về tiêu thụ nông sản. Về công nghiệp, Hà Nam cần chú trọng phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc phát triển công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp phục vụ cho du lịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông, quý I/2017, Hà Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp đạt 2.294,5 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ và đạt 29,2% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.

Từ thực tế của địa phương, UBND tỉnh Hà Nam kiến nghị Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề: đề nghị sửa đổi Điều 23 Luật Đầu tư theo hướng quy định cụ thể hơn để doanh nghiệp dễ thực hiện; bổ sung quy định đối với trường hợp hộ kinh doanh được cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư đang tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp và có nhu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án; bổ sung quy định về trình tự thủ tục đối với dự án đầu tư không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.

Luật Đất đai 2013 quy định thỏa thuận trong trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian nếu có trường hợp ép chủ đầu tư phải thỏa thuận với mức giá cao, nên tỉnh đề nghị sửa đổi nội dung nêu trên, hoặc có những quy định cụ thể tháo gỡ cho những trường hợp không đạt thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tỉnh Hà Nam đề nghị quan tâm bố trí vốn, có cơ chế hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án lớn, trọng điểm như: Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật xung quanh Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; đồng ý chủ trương và hỗ trợ tỉnh trong việc lập hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên là di tích quốc gia đặc biệt...

Về những kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Đoàn sẽ báo cáo với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.

Nguyễn Chinh (TTXVN)
Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nam và Gia Lai
Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nam và Gia Lai

Ngày 15/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016; cùng ngày, tại tỉnh Gia Lai, Đoàn Đại biểu Quốc hội có buổi tiếp công dân nhằm lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN