Phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Vùng Tây Bắc - phạm vi theo dõi  của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về nguồn lực và cơ chế, chính sách cho phát triển vùng Tây Bắc. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương; các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Làm giàu từ trồng cây phật thủ trên đất huyện Lục Yên (Yên Bái). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN


Nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông…; nhiều mô hình hiệu quả về kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai, nhân rộng; các chương trình y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội  đã góp phần làm cho vùng Tây Bắc hôm nay phát triển toàn diện hơn, tạo thêm tiềm năng và những cơ hội mới cho hợp tác, đầu tư phát triển vùng.

Tuy nhiên, những kết quả trong phát triển kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (ở mức 18,2% năm 2014). Hầu hết các địa phương trong vùng chưa tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế. Các điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Chính những hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự khác biệt về khí hậu thổ nhưỡng, tỷ trọng đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài còn thấp…, cũng là cơ hội để hợp tác, đầu tư kinh doanh trên vùng Tây Bắc rộng lớn, hùng vĩ với nhiều di sản và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh cho phát triển một số ngành kinh tế, một số sản phẩm hàng hóa. Hơn nữa, Tây Bắc còn được kết nối trực tiếp với thị trường Trung quốc và thị trường Lào thông qua 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và trên 40 cửa khẩu phụ. Những tiềm năng to lớn ấy đang chờ đợi các nhà đầu tư  đánh thức và chuyển hóa thành những cơ hội kinh doanh cụ thể.

Để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững hòa nhập với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, cần tập trung vào một số định hướng, giải pháp như sau:

Một là, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phù hợp, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư để huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước, nhất là vốn trong nước và vốn FDI đầu tư phát triển vùng. Sử dụng kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu, du lịch dịch vụ như một động lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hai là, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Vùng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với  bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy có hiệu quả liên kết giữa các địa phương trong vùng, nhất là liên kết hạ tầng, liên kết sản xuất, du lịch dịch vụ; lựa chọn những ngành, sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh để tập trung phát triển.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các địa phương trong vùng cần tiếp tục nâng cao năng lực  cạnh tranh, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Bốn là, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, trước hết là cho sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh của vùng. Triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Nghiên cứu đưa vào một số giống mới có hiệu quả kinh tế cao.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực, tập trung cho đào tạo lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, có một tỷ lệ cơ cấu dân tộc hợp lý; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.

Để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh và hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho đồng bào Vùng Tây Bắc, ngày 3-4/4/2015, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh Sơn La tổ chức Hội  nghị “xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu Vùng Tây Bắc” để tạo cơ hội quảng bá Tây Bắc - vùng đất chiến khu cách mạng, giàu truyền thống yêu nước với những tiềm năng to lớn đang là điểm đến hấp dẫn, tin cậy, thân thiện và đầy ý nghĩa với những điều kiện thuận lợi luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác xây dựng Tây Bắc ngày càng phát triển và thịnh vượng.


Nguyễn Xuân Phúc
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc


Ngành ngân hàng sẽ đầu tư 4.700 tỷ đồng cho Tây Bắc
Ngành ngân hàng sẽ đầu tư 4.700 tỷ đồng cho Tây Bắc

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc họp báo giới thiệu Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN