Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm các thành viên Chính phủ

Đa số các đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, phân định rõ lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành, nhằm khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo hoặc không có cơ quan nào quản lý, đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng

Ngày 21/11, trong phiên thảo luận về dự Luật Tổ chức Chính phủ, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự luật chưa phân định rõ vị trí, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho rằng: “Hiện có sự chồng chéo trong hoạt động của các bộ, ngành. Ví dụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, có nhiều bộ tham gia nhưng lại không có sự phối hợp, quản lý. Bộ Giao thông Vận tải làm đường, Bộ Xây dựng xây công trình, Bộ Tài Nguyên quản lý môi trường… khiến cho việc làm đường, nước, điện, viễn thông… cứ rời nhau ra. Quản lý dậy nghề cũng có sự chồng chéo, vừa qua có sự tranh cãi về việc giao lĩnh vực này cho Bộ Giáo dục hay Bộ Lao động quản lý”.

Do sự phối hợp liên bộ không tốt, “Chính phủ phải lập ra nhiều ủy ban, nhưng lại không phải là các thiết chế hành chính, cuối cùng các vấn đề này tại tới tay các Phó Thủ tướng, Thủ tướng chỉ đạo”, đại biểu Lĩnh nói thêm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết: “Xây xong đường lại đào lên, đào lên lấp đi, rồi lại đào lên, chồng chéo, lãng phí. Hơn nữa, dự luật giao Thủ tướng quá nhiều việc, tới cả quyết định thành lập trường đại học, trong khi Thủ tướng là người lãnh đạo cấp cao, không phải là người quản lý. Nếu giao quá nhiều việc thì Thủ tướng không làm được những việc lớn khác”.

Do vậy, đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng: “Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, hiện có quá nhiều thứ trưởng, do vậy cần quy định cứng về số lượng”.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Ngoài việc quy định rõ chức năng chính của các bộ, cần quy định cứng số lượng thứ trưởng. Đồng thời, tách chức năng kinh doanh, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi hoạt động của các bộ. Vì vừa qua, các bộ đã làm không tốt chức năng tham mưu do phải làm quá nhiều việc khác liên quan tới quản lý vốn”.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương; thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: “Vấn đề hàng giả được đem ra chất vấn tại Quốc hội, nhưng không rõ lỗi, trách nhiệm thuộc về ai, thuộc trách nhiệm của địa phương hay trách nhiệm của Chính phủ”.

“Thực tế, Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hàng giả. Còn việc, hàng giả được bày bán ở địa phương nào thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Hay ngành y tế làm trách nhiệm ban hành chính sách. Nếu các cơ sở y tế địa phương làm chết người, thì trách nhiệm này của chính quyền hay của bộ phải được làm rõ. Do vậy, cần quy định rõ những quyền của Chính phủ, những phần phân cấp cho địa phương”, đại biểu Lịch cho biết.

Trao thêm quyền cho Thủ tướng

Theo các đại biểu, các quy định chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết: “Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề cập tới việc giảm thứ trưởng, đưa ra tập thể Chính phủ thì không được thông qua, nên chưa giải quyết được. Do vậy, cần ghi rõ quyền của Thủ tướng Chính phủ, tăng thêm thẩm quyền cho Thủ tướng trong việc này”.

“Vấn đề cây biến đổi ghen có tranh luận gay gắt, Bộ Nông nghiệp không có quyền quyết định vấn đề này, trách nhiệm phải là Thủ tướng. Do vậy, cần tăng quyền và trách nhiệm cho Thủ tướng, quyết và chịu trách nhiệm các chính sách lớn trước dân”, đại biểu An nói thêm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Phải quy định rõ, khi nào Thủ tướng quyết định, khi nào cần biểu quyết qua tập thể Chính phủ. Giao thêm cho Thủ tướng quyền đình chỉ các dự án ở các địa phương, nếu thấy các dự án này có dấu hiệu làm thiệt hại tới quyền lợi của đất nước, nhân dân”.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng: “Nhiệm vụ của Thủ tướng quá dài, quá chi tiết, chưa kể còn tới hàng trăm quy định khác trong các luật, vấn đề gì khó thì lại đẩy lên Thủ tướng. Do vậy, cần sắp xếp lại theo hướng, Thủ tướng đứng đầu, chỉ đạo các cơ quan hành chính Trung ương. Ngoài ra, hiện nay để bổ nhiệm ai, cách chức ai, Thủ tướng mất nhiều thời gian tham khảo ý kiến. Do vậy, cần quy định rõ ràng những chức danh Thủ tướng có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức”.

Về vấn đề này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng: “Cần hiểu quyền của Thủ tướng theo hướng, các bộ, ngành chỉ làm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Thực tế, Quốc hội chất vấn trực tiếp bộ trưởng. Do vậy, không phải cứ khó là đưa lên Thủ tướng, mà bộ trưởng không phải chịu trách nhiệm gì”.

Hữu Vinh
Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ
Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN