Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Ở đâu có tài chính thì phải kiểm toán

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi góp ý về Dự án Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)

Kiểm toán DN có trên 50% vốn nhà nước

Trong phiên họp sáng 22/12, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) tập trung vào các nội dung: Kiểm toán Nhà nước có cần trình Quốc hội, Chính phủ xem xét kế hoạch kiểm toán như hiện nay hay chỉ cần báo cáo; giải quyết, kiến nghị chất lượng kiểm toán; bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN



Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập thì không cần phải xin ý kiến về kế hoạch kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, với DN 51% vốn nhà nước trở lên thì phải kiểm toán, dưới 51% thì chỉ kiểm toán sử dụng vốn có hợp lý hay không.

“Báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý, đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại tố cáo. Ở đâu có tài chính, tài sản công thì phải kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trong phiên họp sáng 22/12, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Dự thảo này đã được cho ý kiến tại phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến được xem xét thông qua tại Phiên họp thứ 33. 

Theo các đại biểu, dự thảo Pháp lệnh còn nhiều điểm cần phải làm rõ như: đối tượng xử phạt, căn cứ để đưa ra pháp lệnh; các hình thức xử phạt như: Buộc rời khỏi phòng xử án; Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người; Khám đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm thì sẽ được thực hiện như thế nào; Nhà báo nếu đã có thẻ nhà báo thì tại sao lại vẫn cần phải phải có giấy giới thiệu thì mới được tác nghiệp tại phiên tòa… 

Theo chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Ksor Phước: “Với các hành vi lừa đảo, gian dối, hoặc khai báo, tạo chứng cứ giả, lôi kéo người khác vào tạo chứng cứ giả gây trở ngạ cho việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân thì không thể chỉ xử phạt hành chính. Những hành vi này phải xử phạt ở mức khác, thậm chí là xử lý hình sự”. 

Vì vậy, sau khi xem xét, thảo luận, Ủy ban Thường vụ quyết định tiếp tục hoàn thiện dự thảo, chưa thông qua tại phiên họp này.

Các ý kiến của UBTVQH cũng cho rằng nên bỏ Điều 3 về mục đích của kiểm toán vì đã nêu trong Điều 1 của dự thảo Luật. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ nên là 5 năm thay vì 7 năm như hiện nay để đồng bộ với hệ thống pháp luật. Báo cáo kết quả kiểm toán bắt buộc thực hiện và có giá trị pháp lý, áp dụng cho đơn vị kiểm toán và những đơn vị có liên quan; nên để Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật.

Thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của cấp huyện, cấp xã

Tiếp tục phiên họp thứ 33, chiều 22/12, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là thẩm quyền ban hành văn bản của cấp huyện, cấp xã. Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, qua thảo luận còn có hai loại ý kiến. Có ý kiến đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật. Việc quy định này nhằm thực hiện quản lý nhà nước, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật. Bởi thực tế ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; có không ít văn bản mâu thuẫn, trùng lặp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn tự chủ của mình, việc giao cho cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ, rõ ràng về phạm vi, điều kiện, quy trình, thủ tục ban hành.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, cần giao cho cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính đặc biệt quyền ban hành văn bản pháp luật nhưng chỉ là ngoại lệ (ví dụ tự quản mẫu giáo, vệ sinh môi trường ...), còn lại phải chấp hành pháp luật trung ương, tránh tình trạng “phép vua thua lệ làng”.

Trong thời gian còn lại của buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Xuân Phong - Thu Phương

Khai mạc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII
Khai mạc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Sáng 22/12, Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN