58 năm thành lập Hải quân nhân dân việt nam (7/5/1955 - 7/5/2013):

Những người bám biển - Kỳ 3: Một lòng giữ đảo

Ngày ra trường, trong khi bạn bè chọn nơi công tác là Hà Nội hoặc Hải Phòng, thì anh lại chọn Trường Sa làm quê hương thứ hai cho thỏa lòng mong ước, để rồi sau những ngày tháng ở Trường Sa về đất liền thăm nhà, con chẳng theo bố, vợ giấu nước mắt vì quá nhớ thương chồng. Trung tá Đỗ Việt Hòa, Chính trị viên đảo Sơn Ca, người tình nguyện cả đời gắn bó với đảo.

 

Còn người, còn Trường Sa


Tôi gặp trung tá Đỗ Việt Hòa ở đảo Sơn Ca trong lần đoàn đại biểu “Góp đá xây Trường Sa” đến thăm quân dân ở đây. Hòa trả lời tôi: “Mình xin gắn bó cả đời với đảo”, khi tôi hỏi: “Cậu ra đảo thời gian bao lâu rồi”. Vốn là đồng đội từ thời gian học ở Học viện Chính trị - Quân sự (Hà Đông, Hà Tây cũ), Hòa nói chân thành: “Tôi đi đảo cũng vì yêu biển. Ông cũng biết đấy, ngày ra trường bao đứa chọn Hà Nội, Hải Phòng công tác, còn tôi thích về Hải quân và đi đảo, ngay vợ và bố mẹ tôi cũng khó tin. Nói thật, mỗi lần nói đến Trường Sa, tôi như thấy Tổ quốc gọi tên mình”.


Đảo Sơn Ca nhìn từ biển.


Sau những cái bắt tay siết chặt thân tình và uống hết tách trà nóng dưới gốc phong ba, Hòa dẫn tôi đi thăm công trình do chính bàn tay của cán bộ chiến sĩ tạo dựng. Đây vườn thanh niên xanh mướt, kia chuồng nuôi gà, vịt bên hào công sự; chỗ này nơi rèn luyện sức khỏe; chỗ khác đàn lợn đào cát tìm giun. Dừng lại ở phòng truyền thống của đảo, chỉ tay lên những tấm bằng khen treo trên tường, Hòa bảo: “Chiến công, thành tích của đảo gói cả trong những tấm bằng khen, giấy khen này, song không vì thế mà chúng tôi thỏa mãn. Chúng tôi còn thì Trường Sa không thể mất, đó là lời thề của lính đảo nói chung và đảo Sơn Ca nói riêng”.


- Anh có thể nói thêm về công việc thường ngày của lính đảo?


- Cũng như các đảo khác, lính Sơn Ca sáng huấn luyện, chiều thể thao, tối cất cao lời ca tiếng hát, trong đó huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và rèn luyện kỷ luật xây dựng nề nếp chính quy luôn đặt lên hàng đầu. Công việc của người lính nơi đầu sóng ngọn gió rất nhiều khó khăn vất vả, song tất cả chúng tôi đều yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ. Ở đảo cán bộ chiến sĩ luôn đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà, đó chính là sức mạnh không gì lay chuyển được.

“Em ơi hãy nghe lời anh từ đảo nhỏ”


Hòa đưa cho tôi xem cuốn nhật ký ghi lại chi tiết những sự kiện quan trọng diễn ra của đảo như xem văn công, đoàn từ đất liền ra đảo ngày nào, ngày anh đi đảo, ngày nhận được thư vợ… trong đó có lá thư anh viết cho vợ chưa kịp gửi về đất liền. Trong thư, Hòa viết thành ba phần, phần cho vợ, phần cho con, phần cho bố mẹ. Anh không kể về những khó khăn vất vả của lính đảo, mà tâm sự về niềm tự hào được cùng các chiến sĩ đêm ngày vững chắc tay súng canh biển giữ đảo tiền tiêu của Tổ quốc.


Trung tá Đỗ Việt Hòa (bên phải) được tặng Huy hiệu Trường Sa.


Đoạn thư viết cho vợ chứa chan nỗi nhớ thương: “… Em ơi, ở đảo Sơn Ca không có hoa tươi như đất liền, chỉ có hoa trên môi chiến sĩ. Em biết hoa gì không? Đó là hoa của niềm tự hào kiêu hãnh, là hoa của tình yêu Tổ quốc. Sau những giờ huấn luyện trên thao trường rát bỏng, chiều về ngồi trên mép đảo hướng mắt về đất liền, bọn anh lại tự hào và thấy Tổ quốc mình đẹp đẽ thiêng liêng đến vô cùng. Anh biết ở quê nhà, mẹ con em chịu nhiều thiệt thòi, nhưng chúng ta cũng phải biết chấp nhận hi sinh vì nghĩa lớn em ạ. Đã gần 14 tháng rồi anh chưa vào đất liền, nỗi nhớ em và con đau đáu tim anh, nhưng anh chưa thể vào đất liền khi các chiến sĩ đang cần anh. Không biết từ bao giờ, trái tim anh như đã gắn bó cả đời với đảo. Em ơi có nghe lời anh từ đảo nhỏ!”.


Tôi không trích hết lá thư, nhưng chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để khẳng định trung tá Đỗ Việt Hòa yêu đảo thế nào. Hòa nói với tôi: “Bây giờ đời sống của các chiến sĩ Trường Sa có nhiều cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân song cũng còn không ít khó khăn vất vả. Cuộc sống của lính đảo xa làm sao so được với đất liền, nhưng mình cứ nghĩ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai”.


Có một điều mà Hòa không muốn kể, đó là nỗi nhớ vợ con luôn canh cánh trong lòng. Một lần gọi điện về thăm, vợ anh khóc nghẹn ngào, còn con gái học lớp 6 dỗi hờn “Bố ơi về với con, con nhớ bố lắm”. Hòa động viên vợ con “Hoàn thành nhiệm vụ bố sẽ về thăm”.


Đảo Sơn Ca bình yên trong nắng chiều rực rỡ, chúng tôi trở lại tàu đi điểm đảo khác. Trung tá Đỗ Việt Hòa cùng các chiến sĩ trên cầu cảng vẫy tay chào tạm biệt. Trong gió biển khơi, lời ca khúc “Em ơi có nghe lời người từ phố biển” như thấm vào gan ruột. Tôi nhớ đến lá thư Hòa viết tâm sự với vợ con anh mà cảm phục những người lính đảo Sơn Ca.



Bài và ảnh: Mai Thắng


Kỳ 4: Trường Sa gọi, chúng tôi trả lời

Những người bám biển - Kỳ 2: Giữa biển khơi lấp lánh tình người
Những người bám biển - Kỳ 2: Giữa biển khơi lấp lánh tình người

Với các chiến sĩ nhà giàn DK1, ngư dân đánh bắt xa bờ trên vùng biển thềm lục địa luôn là người bạn thân thiết. Các anh sẵn sàng nhường đường sữa, sẻ muối gạo, quần áo cho ngư dân mỗi khi gặp nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN