Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ:

Nhiều hoạt động thiết thực tri ân người có công với cách mạng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), ngày 21/7, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương do đồng chí Nguyễn Quang Dương, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng tại tỉnh Quảng Trị.

Đoàn đại biểu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đến dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn người con trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Đoàn cũng đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Khu Lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và đồng chí Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. 

Đoàn đã trao tặng 70 căn nhà tình nghĩa cho tỉnh Quảng Trị; khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lự ở thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Đoàn Thanh niên Khối các Cơ quan Trung ương đã trao 70 suất quà (1 triệu đồng/suất) tặng người có công tiêu biểu trên địa bàn huyện Triệu Phong; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 500 lượt gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Y tế xã Triệu Tài; thắp nến tri ân tại 528 phần mộ liệt sỹ Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Triệu Phong; tặng 6.000 ngọn nến tri ân cho Huyện Đoàn Triệu Phong để thắp sáng toàn bộ các phần mộ liệt sỹ trên địa bàn… 

Từ năm 2012-2017, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã huy động các nguồn lực xã hội, vận động đóng góp từ các đoàn viên xây dựng và tham gia xây dựng hơn 350 căn nhà tình nghĩa; trên 13.000 suất quà; hơn 500 sổ tiết kiệm tặng người có công với cách mạng… với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. 

Trong hai cuộc kháng chiến, Thông tấn xã Việt Nam có trên 260 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, là cơ quan báo chí có nhiều liệt sỹ hy sinh nhất. Đến nay, nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, phần mộ. 

Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ngày 21/7, Đoàn cán bộ Thông tấn xã Việt Nam do Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ Ngô Thị Kim Oanh dẫn đầu đã đến thăm hỏi, tặng sổ tiết kiệm trị giá 6 triệu đồng tặng hai gia đình liệt sỹ Lê Viết Vượng và Trần Viết Thuyên tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 

Đồng chí Ngô Thị Kim Oanh ân cần thăm hỏi, động viên, bày tỏ lòng biết ơn đến các liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam nói chung và hai Liệt sỹ Lê Viết Vượng và Trần Viết Thuyên, những người đã hy sinh tuổi trẻ, cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Cùng ngày, đoàn cán bộ, phóng viên của Truyền hình Thông tấn đã đến thăm hỏi, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam Lê Văn Luyện, ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn trân trọng cảm ơn những đóng góp, hy sinh của các gia đình liệt sỹ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Liệt sỹ, nhà báo Lê Văn Luyện hy sinh tại chiến trường Khu 5 năm 1972 khi mới bước vào tuổi 38. Gia đình đã nhiều lần tổ chức đi tìm hài cốt nhưng đến nay vẫn chưa thấy. 

Tại Quảng Ngãi, sáng 21/7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và tập thể, cá nhân làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng tặng quà cho thương binh Nguyễn Đức Thịnh, thôn Hà Liệt, xã Long Mai. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Toàn tỉnh hiện có trên 180 ngàn người được xác nhận là người có công (chiếm 13% dân số toàn tỉnh), trong đó trên 37.000 liệt sỹ, 24.000 thương binh, 6.239 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 11.000 người hoạt động cách mạng và hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 6.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học... 

Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn ngân sách của Nhà nước và xã hội hóa, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 4.000 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí trên 97,7 tỷ đồng; trích ngân sách trên 32 tỷ đồng để tặng hơn 65.000 suất quà cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng neo đơn, gia đình liệt sỹ... 

Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khen thưởng, biểu dương 70 người có công tiêu biểu và 20 cá nhân, 12 tập thể làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Chiều cùng ngày, đoàn công tác Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 5 gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu của huyện Minh Long, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng. 

Ngày 21/7, thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt con liệt sỹ, con thương binh đang học tập, công tác trên địa bàn thành phố. Đà Nẵng có hơn 2.400 con liệt sỹ, con thương binh đang công tác trong cơ quan nhà nước, các hội, đoàn thể…

Trong 20 năm (1997 - 2016), thành phố Đà Nẵng có trên 15.000 lượt học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ được thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo, trong đó có gần 10.500 học viên, sinh viên đang theo học các cơ sở đào tạo được hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi trên 100 tỷ đồng; thành phố đã mua và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho hơn 5.200 con liệt sỹ, con thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên. 

Hiện nay, thành phố tập trung thực hiện chủ trương “thành phố 4 an”, trong đó công tác ưu đãi người có công là một trong những nội dung quan trọng của công tác an sinh xã hội, là yếu tố được thành phố quan tâm và sẽ tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. 

Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và các tổ chức, cá nhân làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa năm 2017 cũng đã được tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 21/7. 70 người có công tiêu biểu và 50 tổ chức, cá nhân làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa năm 2017 đã được biểu dương, khen thưởng. 

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các thương binh, bệnh binh và những người đã chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung thực hiện hiệu quả hoạt động tình nghĩa, tạo điều kiện để những đối tượng chính sách tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; thường xuyên phát động phong trào "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa". 

Trải qua các cuộc kháng chiến, tỉnh Đồng Tháp có trên 18.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; trên 8.000 thương binh để lại một phần cơ thể nơi chiến trường; gần 2.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 2.200 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 

Toàn tỉnh có 410 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa;1.818 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13.500 gia đình có công với cách mạng và hàng ngàn người còn mang trong mình đầy thương tích, bệnh tật đến nay vẫn chưa hồi phục...  

PV TTXVN tại các địa phương
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Vì đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: Vì đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'

Ngày 20/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt cá nhân, đại diện gia đình tiêu biểu có công với cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN