Nhiều biện pháp làm tốt công tác bảo hộ công dân

“Việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Những nội dung này đã được quy định rõ tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22-26/8, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu

Nói về công tác bảo hộ ngư dân, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Nhiệm vụ, trách nhiệm của Đại sứ quán là bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngư dân. Một số trường hợp khi có thông tin ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ, Đại sứ quán đã liên lạc trực tiếp với địa phương, Bộ Ngoại giao nước sở tại để đảm bảo các quyền chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Chia sẻ những biện pháp để làm tốt công tác bảo hộ ngư dân, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi luôn xác định bảo vệ lợi ích của ngư dân cũng như bảo vệ lợi ích của chính mình, người nhà mình. Vì thế mọi người đều làm việc với trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi cho rằng cần phải có thông tin đa chiều, nắm được thông tin từ trong nước (Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ địa phương). Về phía Indonesia, Đại sứ quán cũng làm việc với cảnh sát Indonesia và Bộ Ngoại giao bạn để lấy thông tin. Những thông tin đó chưa đủ, Đại sứ quán cũng phải liên hệ với gia đình ngư dân và trực tiếp những ngư dân bị bắt để nắm tình hình. Khi có thông tin đầy đủ, Đại sứ quán mới tiến hành bảo hộ lãnh sự. Như thế việc bảo hộ lãnh sự công dân Việt Nam tại Indonesia mới được toàn diện, tốt nhất”.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho hay, thời gian qua, Chính phủ mới của Indonesia có chính sách rất “mạnh tay” đối với việc đánh cá trái phép trên vùng biển của Indonesia. Nắm được thông tin này, Đại sứ quán đã gửi về Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, gửi về các địa phương nơi có nhiều ngư dân để khuyến cáo.

Xác định trách nhiệm cao

Chia sẻ thông tin về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Malaysia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong cho biết: Hiện mỗi ngày có 32 chuyến bay qua lại giữa hai nước nên công tác bảo hộ công dân phải trải dài. Đại sứ quán đã chia ra 6 nhóm người Việt cần bảo hộ. Đó là những người đang cư trú tại Malaysia nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Những trường hợp này, Đại sứ quán giúp họ về pháp lý để ổn định cuộc sống và những khía cạnh khác. Những người đi du lịch, sang làm việc, lao động, học tập, bị mất hộ chiếu, giấy tờ, bị cướp giật, gặp tai nạn, Đại sứ quán đều có phương án trợ giúp.

Một nhóm nữa là những người vi phạm pháp luật, lao động bất hợp pháp và nhóm ngư dân, Đại sứ quán đã đi thăm lãnh sự, đảm bảo các ngư dân được chăm sóc nhân đạo, được xét xử một cách công bằng và hỗ trợ họ làm thủ tục về nước. Riêng vấn đề thủ tục, nhiều ngư dân đi biển lâu năm, không nhớ quê quán của mình, Đại sứ quán cũng trao đổi và xác định với các cơ quan trong nước để có được chi tiết chính xác nhân thân thì mới có thể đưa họ về nước. “Xác định công tác bảo hộ công dân là trách nhiệm của người cán bộ Nhà nước, nhưng cũng là lương tâm của một người Việt, bất kể ngày đêm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, Đại sứ chia sẻ.

Theo Đại sứ Phạm Cao Phong, Việt Nam cần phổ biến, tuyên truyền cho người dân khi sang các nước khác cần tôn trọng những nét văn hóa của nước đó. Malaysia là nước đạo Hồi, do đó cần phải tôn trọng những nét văn hóa của họ. “Chúng ta càng hội nhập và cam kết là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, càng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuân thủ luật pháp Việt Nam nhưng cũng phải tôn trọng luật pháp các nước xung quanh”, Đại sứ Phạm Cao Phong nói.

Đảm bảo quyền lợi người Việt

Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cho biết: Hiện ở Australia có 300 nghìn công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc; 30 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Australia. Do vậy, đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, vấn đề bảo hộ công dân luôn là một trong những trọng tâm công tác.


Thời gian qua, dù nhân lực có hạn và Australia là đất nước rộng lớn, nhưng cán bộ công nhân viên Đại sứ quán đã hết sức cố gắng, đảm bảo quyền lợi của bà con người Việt đang làm ăn sinh sống và học tập tại đây. Sinh viên Việt Nam được chính quyền sở tại đánh giá rất cao về khả năng học tập và ý thức chấp hành pháp luật Australia.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư khoảng 500 triệu USD vào thị trường Australia. Đại sứ quán luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại đây, đồng thời đề nghị Chính phủ liên bang và Chính quyền các tiểu bang tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

Một việc quan trọng trong công tác bảo hộ công dân, theo Đại sứ Lương Thanh Nghị chính là việc cấp phát giấy tờ như miễn thị thực, hộ chiếu…, tạo điều kiện để bà con người Việt, hoặc người Australia gốc Việt hướng về quê hương đất nước. Bên cạnh đó, việc phối hợp với cơ quan trong nước để giảm thiểu những thủ tục rườm rà sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho bà con người Việt được cấp phát giấy tờ lãnh sự kịp thời.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là vấn đề bảo hộ công dân. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài ổn định và phát triển. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hồng Điệp – Thu Phương (TTXVN)
Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của ngành ngoại giao
Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của ngành ngoại giao

Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp thứ hai về Ngoại giao phục vụ phát triển với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN