Nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngày 13/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc tại Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành tư pháp trong nhiệm kỳ 2007-2011, đặc biệt là trong năm 2011, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; góp phần tạo ra sự đổi mới cơ bản trong công tác xây dựng pháp luật như thu gọn hình thức và cải tiến quy trình, kỹ thuật soạn thảo văn bản, bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Trong nhiệm kỳ 2007-2011, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, pháp lệnh và 6 chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trên tổng số 75 dự án luật, pháp lệnh được thông qua tại nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII; bảo đảm tất cả các dự án luật, pháp lệnh được trình đúng thời hạn.

Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp nhiệm kỳ 2011-2016 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 có sự tham gia của toàn xã hội, Bộ Tư pháp là cơ quan tổng hợp, cần nghiên cứu, tham mưu phản biện để xây dựng Hiến pháp thực sự lâu dài, đảm bảo các nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tính giai cấp trong Hiến pháp và sự hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ Tư pháp cần chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành theo Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ.

Về công tác cải cách tư pháp, Phó Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ quan trọng của ngành là công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bộ cần có chủ trương, biện pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh; nghiên cứu đề xuất để có biện pháp đảm bảo ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Bên cạnh đó cần chú ý tới việc hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật; có cơ chế huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia... trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Nhận định việc thi hành pháp luật nói chung còn yếu, tình trạng "nhờn" pháp luật diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế thực hiện và giải pháp cụ thể hơn; việc theo dõi thi hành pháp luật đặt ra cùng với việc xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng đánh giá hoạt động bổ trợ tư pháp có những tiến bộ đáng mừng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cần củng cố tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp, xây dựng cơ chế thúc đẩy xã hội hóa một số hoạt động trong bổ trợ tư pháp.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành phải có bước đột phá trong đào tạo cử nhân luật và các chức danh tư pháp; coi trọng giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công việc. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn; tăng cường quản lý nhà nước đối với đội ngũ luật sư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...

Quỳnh Hoa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN