Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế 26/3/1975 - 26/3/2015: Huế đập tan chiến lược “Phòng ngự co cụm”

Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, tương quan lực lượng ở chiến trường miền Nam thay đổi mau lẹ, theo chiều hướng có lợi cho cách mạng. Khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã hiện hữu. Huế, tỉnh thành nằm sát với tỉnh Quảng Trị đã được hoàn toàn giải phóng trước đó, là một trong những địa phương nằm trong kế hoạch tiến quân của Quân giải phóng miền Nam.

Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng 2 năm 1975 - 1976. Bên cạnh kế hoạch cơ bản trên, Bộ Chính trị còn dự kiến phương án: “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Bộ đội tiến vào giải phóng Ngọ Môn Huế trưa ngày 26/3/1975. Ảnh: Tư Liệu



Ngày 10/2/1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch năm 1975 của Quân khu Trị Thiên với nội dung cơ bản là: “Tập trung toàn bộ lực lượng Quân khu và Quân đoàn II, tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị - Thiên, giành 35 vạn dân ở nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đánh mạnh vào kho tàng hậu cứ, triệt phá giao thông; tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế”.

Về phía địch, chúng tỏ ra lúng túng trong việc đối phó. Theo lệnh của Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, ngày 17/3/1975 tướng Ngô Quang Trưởng tại quân khu 1 phải điều đơn vị đầu tiên của sư đoàn không vận từ căn cứ Phú Bài - Huế vào Sài Gòn để “tổ chức” lại việc phòng thủ. Ưu tiên bảo vệ giờ đây của chế độ bù nhìn của Mỹ Việt Nam Cộng hòa đã chuyển từ Huế vào Đà Nẵng vì chúng đã không còn đủ lực lượng để bảo vệ cả Huế. Theo đó, lữ đoàn thủy quân lục chiến trước đây bảo vệ phía Bắc thành phố Huế nay phải di chuyển về giữ đèo Hải Vân và án ngữ quốc lộ 1 cửa ngõ Đà Nẵng. Và trong trường hợp bị tấn công mạnh, tướng Trưởng được phép rút khỏi Huế để giữ Đà Nẵng.

Sáng 19/3/1975, Thủ tướng Ngụy quyền Trần Thiện Khiêm cùng vài thành viên Nội các bay từ Sài Gòn ra các quân khu 1 và 2 thị sát tình hình. Tướng Trưởng báo cáo các “dấu hiệu” cho thấy trong thời gian rất gần, Huế và Đà Nẵng có thể bị quân giải phóng đồng loạt tấn công. Tướng Trưởng cho biết 3 sư đoàn quân giải phóng đã án ngữ các khu vực gần Huế và Đà Nẵng, có thể một sư đoàn nữa sẽ vượt Quảng Trị để tăng thêm sức ép. Nửa đêm hôm đó, Khiêm trở về Sài Gòn gặp Thiệu để báo cáo. Khiêm đề nghị Thiệu cho rút lui khỏi Huế để tập trung lực lượng về bảo vệ Đà Nẵng nhưng Thiệu không đồng ý rút quân khỏi Huế vì trước đó đã chỉ thị phải bảo vệ Huế “bằng mọi giá”. Khiêm bị “sốc” trước thái độ này của Thiệu. Vì trước đó vài ngày, chính Tổng Thiệu đã nói với tướng Trưởng rằng về mặt chiến lược Huế không quan trọng bằng Đà Nẵng và tướng Trưởng đã làm theo lời Thiệu điều chỉnh lại kế hoạch. Nay bất ngờ Thiệu thay đổi ngược lại làm cho việc tổ chức phòng thủ càng thêm “tiền hậu bất nhất”.

Tình hình chuyển biến mau lẹ sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên nên vào ngày 21/3/1975, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công giải phóng Huế. Khi đoàn xe tăng của quân đội giải phóng ào ạt vượt qua cầu Thạch Hãn ở Quảng Trị tiến về phía Huế, tướng Trưởng vội bay vào Sài Gòn gặp Thiệu báo cáo tình hình đang diễn biến ngày càng xấu. Thiệu cuối cùng thừa nhận đã “đòi hỏi quá nhiều”. Việc bảo vệ Huế giờ đây không quan trọng bằng sự bảo toàn lực lượng sư đoàn 1. Thiệu cho phép tướng Trưởng giữ Huế “được lâu chừng nào tốt chừng đó” cốt để cho sư đoàn 1 đủ thời gian rút vào bảo vệ Đà Nẵng. Việc rút quân có thể bằng đường bộ hoặc đường biển và tùy tướng Trưởng “quyết định” thời điểm nào thì chịu mất Huế.

Trong khi đó, các đơn vị quân đội giải phóng đã tấn công tổng lực dồn dập vào thành phố Huế. Sáng 24/3/1975 toàn bộ sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn vứt bỏ vũ khí, cùng gia đình ra bãi biển để lên tàu thuyền chạy vào Đà Nẵng. Sáng 25/3/1975, Ngụy quyền Sài Gòn công bố Huế “thất thủ”. Vào 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phù Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng. Vào 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, quân giải phóng chính thức kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dài 12 m, rộng 8 m lên đỉnh Cột cờ, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, sau nhiều ngày chiến đấu, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, làm thất bại kế hoạch “Phòng ngự co cụm chiến lược” của địch ở các tỉnh duyên hải miền Trung, hoàn toàn giải phóng quê hương, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà thần tốc chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nguyễn Văn Toàn

Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng giải phóng miền Nam
Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng giải phóng miền Nam

Chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; rất nhiều địa phương đã tổ chức những hoạt động tri ân thế hệ cha ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN