Nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội bắt đầu từ 17/11, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng (ảnh - đại biểu đoàn Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông quan tâm đến vấn đề nào, thưa ông?

Theo ý kiến đa số của đại biểu Quốc hội, có 4 Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này gồm Bộ trưởng Bộ Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ, Giao thông Vận tải. Cử tri quan tâm cả 4 lĩnh vực trên, tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn giao thông, chất lượng các công trình giao thông. Đối với ngành công thương cử tri quan tâm đến xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng. Còn lĩnh vực lao động thương binh xã hội, cử tri quan tâm đến việc thực hiện chế độ chính sách, tạo việc làm, nhất là cho sinh viên mới ra trường.

Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, tôi thấy có những mảng chính sách chúng ta cũng cần quan tâm hơn, nhất là đối với cán bộ đang công tác tại các đơn vị, tổ chức có chức năng đặc thù. Đơn cử như đi giám sát tại các trung tâm tâm thần ở các địa phương và nhận thấy bác sĩ, cán bộ, nhân viên những trung tâm đó rất vất vả, nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng, nhưng chế độ đối với họ chưa thỏa đáng... Đó là vấn đề cử tri quan tâm và đại biểu chất vấn là dựa trên ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của cử tri.


Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần phải đổi mới thế nào để nâng cao hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, thưa ông?


Điểm nổi bật là sau hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động này. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân và cơ quan chức năng, trong đó có các cơ quan của Quốc hội, cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể giám sát các hoạt động, trách nhiệm của các bộ, ngành trong trả lời chất vấn. Tôi nghĩ kỳ họp này cũng theo hướng đó. Việc trả lời chất vấn mới chỉ là bước đầu, hậu chất vấn mới là quan trọng. Xử lý, giải quyết các vấn đề đã chất vấn là cả quá trình liên quan đến trách nhiệm từng bộ, ngành. Có nghị quyết liên quan đến chất vấn là cơ sở để các bộ, ngành tổ chức thực hiện và để Quốc hội, cơ quan thuộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát. Đây là điều không chỉ đổi mới mà làm tăng hiệu quả của việc chất vấn.

Đối với vấn đề tại kỳ họp trước, các đại biểu sẽ tiếp tục theo đuổi và chất vấn tiếp? Và qua theo dõi, ông thấy vấn đề được nêu tại các phiên chất vấn đã được xử lý?

Nhiều vấn đề mà các đại biểu chất vấn tại các kỳ họp trước, tôi thấy các bộ, ngành đã có xử lý và trả lời. Đây là việc đáng hoan nghênh. Còn những nội dung chất vấn nào chưa được trả lời thấu đáo, giải quyết đến nơi đến chốn, thì các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn để có cách xử lý triệt để.

Là người thường xuyên giám sát các hoạt động về giảm nghèo, ông thấy việc triển khai lĩnh vực này ra sao, thưa ông?

Đối với lĩnh vực giảm nghèo, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội vừa tiến hành việc giám sát tối cao. Nhiều vấn đề, nội dung đã được đặt ra tại kỳ họp đó. Khi kết thúc hoạt động giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76 để đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo từ nay đến năm 2020. Nghị quyết mới đi vào thời gian ngắn và tôi nghĩ rằng đối với lĩnh vực giảm nghèo chúng ta sẽ có những hoạt động triển khai đồng bộ, tích cực để Nghị quyết đó đi vào cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Cường (thực hiện)

Thủ tướng và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
Thủ tướng và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Ngày 10/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã chốt danh sách bốn vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII. Đó là Bộ trưởng: Công Thương, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN