Năm 2013 tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Như tin đã đưa, trong 2 ngày 25-26/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

 

Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp


Thảo luận về những giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, lãnh đạo các địa phương nhất trí cho rằng, cần tăng cường ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quản lý đất đai và tài nguyên môi trường…


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát “tha thiết” đề nghị trong năm 2013, các địa phương khi tiến hành tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng cần chú ý đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát huy những lợi thế của địa phương. Đối với cây lúa, thế mạnh chung của cả nước, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục thực hiện theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng giá trị gia tăng, không nhất thiết phải mở rộng diện tích. Mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện đã khẳng định hiệu quả và đang được Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ để có thể mở rộng áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa hai ví dụ cụ thể để khẳng định chuyển đổi mô hình tăng trưởng có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể, gần gũi với người dân. Phó Thủ tướng giới thiệu 2 mô hình là chăn nuôi, tiêu thụ gà ở Bắc Giang và nuôi lợn tại Hà Nam hiện đang triển khai thực hiện theo hướng đổi mới sản phẩm và đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ một cách bài bản.


“Như vậy với 2 sản phẩm nông nghiệp truyền thống nhưng được nuôi theo công nghệ mới, tổ chức quản lý chất lượng, phân phối chặt chẽ đã đem lại hiệu quả rất lớn. Qua hai mô hình này, các địa phương nên có cơ chế để khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất những sản phẩm truyền thống, có mô hình quản lý chất lượng, phân phối một cách bài bản”- Phó Thủ tướng kết luận.

 

Tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô


Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với tinh thần tích cực, khẩn trương, tập trung thảo luận, lãnh đạo của các bộ, ngành địa phương đã có những đánh giá, đóng góp thiết thực vào Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2012; Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2012.


Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bước vào năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức; những khó khăn thách thức lớn hơn so với dự báo từ đầu năm; song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, năm 2012, nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý hàng tồn kho, nợ xấu còn chậm, có mặt còn lúng túng; nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc; các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư còn bất cập… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong xử lý, khắc phục.


Đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải ưu tiên cho tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012 (giữ lạm phát năm 2013 khoảng 6%) đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012.


Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo thông thường, giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm, do đó các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I của năm 2013; không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao; phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá. Đồng thời, tập trung điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Cùng với đó là phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; giữ vững sự ổn định về tỷ giá. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; thực hiện thu chi theo đúng kế hoạch, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, trong đó chú trọng tới các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, nhất là ở các huyện nghèo; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo… Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống tội phạm xã hội, kiên quyết không để gia tăng các loại hình tội phạm; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia… Đặc biệt phải hết sức cảnh giác, đấu tranh đối với kẻ xấu lợi dụng công nghệ cao, Internet để bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta cũng như dứt khoát không để nhen nhóm sự xuất hiện của các tổ chức phản động trên bất cứ địa bàn nào.


Nhấn mạnh Tết Nguyên đán 2013 đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đủ cung cầu hàng hóa, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá; tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, về quê ăn Tết; thực hiện quyết liệt các biện pháp giữ gìn trật tự và giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng, chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ…; đảm bảo cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, an toàn, đầm ấm và lành mạnh.

 

Đổi mới môi trường thu hút đầu tư


Chiều 26/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12/2012, thảo luận về đánh giá tổng thể tình hình đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, định hướng chính sách đến năm 2020 và những giải pháp thu hút FDI có chất lượng.


Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đưa ra 3 định hướng chung đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cần có quy hoạch, lựa chọn các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành, từng quốc gia. Thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ. Chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, từng ngành, lĩnh vực cũng có định hướng cụ thể.


Để thực hiện được những định hướng trên, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; chấn chỉnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; hoàn thiện quy trình liên quan đến việc kiểm soát máy móc, thiết bị nhập khẩu và môi trường; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư nước ngoài tầm quốc gia để đủ thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc.


Thảo luận về báo cáo đánh giá tổng thể tình hình đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, định hướng chính sách đến năm 2020 và những giải pháp thu hút FDI có chất, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những tồn tại, chồng chéo trong thu hút đầu tư nước ngoài là rất bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay. Báo cáo do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng, đã qua nhiều lần dự thảo, xin ý kiến của các bộ, ngành. Cùng với báo cáo tổng thể này, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về quản lý đầu tư nước ngoài theo hướng tăng lựa chọn, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài đáp ứng những tiêu chí, định hướng cụ thể.


Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam là rất quan trọng, trong 20 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.


Tuy trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư vẫn còn một số điểm còn bất cập, hạn chế, nhưng chủ trương nhất quán chung được thống nhất cao từ Nghị quyết của Đại hội Đảng đến các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương là không thể không thu hút đầu tư nước ngoài. Quan trọng là phải cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài.


“Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Yêu cầu đặt ra là môi trường, chính sách thu hút đầu tư của ta không thua kém so với các nước trong khu vực” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.


lCũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận và Quyết định cho phép 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao được áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. 23 huyện này sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển bằng 70% mức bình quân của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ từ ngân sách trung ương. Thời gian được hỗ trợ trong 5 năm, từ 2013 đến 2017 (ước tính tổng kinh phí hỗ trợ trong 5 năm khoảng 2.400 tỷ đồng).

 

Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN