Làm thủ lĩnh Đoàn vùng cao: Khó nhiều bề

Về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, bên cạnh niềm vinh dự cá nhân, trong lòng chàng thủ lĩnh Đoàn một huyện vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn- đại biểu Khang A Chua, Bí thư huyện đoàn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vẫn ngổn ngang những suy tư, trăn trở...


Đại biểu Khang A Chua, Bí thư   huyện đoàn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).


“Thanh niên không có việc, khó huy động làm Đoàn”


Huyện Mù Cang Chải có trên 4.100 đoàn viên trong tổng số trên 10.000 thanh niên. Với một vùng đặc biệt khó khăn, trình độ của đoàn viên thanh niên còn hạn chế. Đời sống vật chất của đoàn viên thanh niên, của nhân dân tại huyện còn muôn vàn khó khăn. Giao thông cũng là một trở ngại lớn. Trong hoàn cảnh đó, là thủ lĩnh đoàn vùng khó, điều Khang A Chua trăn trở nhất là nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên.


Thu nhập của thanh niên huyện Mù Cang Chải chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nếu đoàn viên thanh niên không có việc làm thì công tác huy động thanh niên tham gia các phần việc của Đoàn cũng rất khó. Chưa nói đến việc vẫn còn tệ nạn buôn bán chất ma túy tại địa phương.


A Chua tin: “Nếu như đoàn viên có công ăn việc làm nhất định, có thể đảm bảo thu nhập thì khi tổ chức huy động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động sẽ gặp nhiều thuận lợi. Chính đoàn viên sẽ tham gia nhiệt tình hơn, góp phần hiệu quả cao hơn”.


Với vai trò là Bí thư Huyện Đoàn, trong thời gian qua, Khang A Chua đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền đồng ý cho Đoàn Thanh niên đăng ký với Ban Quản lý rừng phòng hộ của huyện thực hiện công trình trồng 35 ha rừng phòng hộ tại một xã trong huyện.


Đồng thời, A Chua cũng tham mưu để tổ chức Đoàn đăng ký cho Đoàn làm đường giao thông nông thôn dài 5,5 km tại xã Cao Phạ của huyện Mù Cang Chải theo Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh. Hoạt động này đã huy động được sự tham gia của trên 700 đoàn viên thanh niên.


Khang A Chua cũng chủ động liên hệ với những doanh nghiệp trong tháng 10/2012 Công ty xây dựng ở Hà Nội tổ chức huy động đoàn viên thanh niên làm công trình mương thủy lợi ở xã Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải. Dự kiến, cuối tháng 12/2012, công trình sẽ hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng cho vụ hè của năm 2013.


Hiện nay, đoàn viên thanh niên huyện đang triển khai trên 80 mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhiều mô hình hiệu quả như: nuôi ong lấy mật. nuôi gà đen, nuôi dê, lợn cắp nách, nuôi nhím.


Qua quá trình tổ chức huy động đoàn viên thanh niên thực hiện các phong trào đó, Khang A Chua cho biết: “Đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tham gia rất nhiệt tình các phong trào do Đoàn phát động. Điều quan trọng là những thủ lĩnh Đoàn tại cơ sở đó có biết để tập hợp đoàn viên thanh niên hay không và có được sự tín nhiệm của đoàn viên hay không? Nếu như mình biết cách tập hợp đoàn viên thanh niên và đoàn viên thanh niên tín nhiệm thì khi tổ chức hoạt động các phong trào của Đoàn, những phần việc tình nguyện thì đoàn viên sẽ hết sức hưởng ứng, đem lại hiệu quả cao”.


Điều trăn trở nữa với Khang A Chua là việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh niên, đặc biệt là bản sắc văn hóa của các tộc người vùng sâu, vùng xa. Trong xu thế hội nhập hiện nay, một số đoàn viên thanh niên có dấu hiệu phai nhạt bản sắc văn hóa trước những tác động của kinh tế thị trường, của văn hóa ngoại lai.


Hồ hởi sau khi bầu xong Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X, Khang A Chua kỳ vọng vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn nhiệm kỳ 2012- 2017 sẽ đoàn kết, thống nhất, đưa ra được những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ, đưa ra được những Dự án về phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là đoàn viên thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Trên cơ sở đó, các cấp bộ đoàn sẽ triển khai được những Đề án vào cuộc sống, để đoàn viên thanh niên tiếp cận với những dự án đó, tiếp cận với những nguồn vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình theo xu hướng hàng hóa, giải quyết được công ăn việc làm cho đoàn viên, tăng thu nhập cho đoàn viên.


Băn khoăn chất lượng cán bộ đoàn cơ sở


Trước điểm mới ở điều lệ Đoàn sửa đổi quy định tới đây, đoàn viên sẽ tham gia sinh hoạt Đoàn tại hai nơi: nơi công tác và nơi cư trú, Khang A Chua cho rằng không khó triển khai. Tuy nhiên, Bí thư huyện Đoàn Mù Cang Chải thấy băn khoăn điều đó làm cho quỹ thời gian của các đoàn viên hạn hẹp đi. Với thời gian như thế, nếu tổ chức đoàn ở nơi cư trú không có những hoạt động thích hợp thật sự thu hút thì không hiệu quả.


Mặt khác, trình độ của cán bộ đoàn ở tổ dân phố có thể sẽ thấp hơn trình độ của đoàn viên khối các cơ quan hành chính sự nghiệp. Khâu tập hợp, triển khai của các đồng chí cán bộ đoàn ở tổ dân phố, xã, phường có thể sẽ không đáp ứng được. Khi mà năng lực, uy tín của cán bộ đoàn ở cấp cơ sở không đáp ứng được thì không thu hút được đoàn viên các cơ quan hành chính sự nghiệp về địa phương sinh hoạt thì sẽ đi ngược lại mong muốn.


Để làm được điều này, chàng Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải cho rằng không còn cách nào khác, đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở phải tự rèn luyện, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực công tác của bản thân. Đồng thời, chính những đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt hai nơi phải phát huy tinh thần tự giác, hăng hái. Chính những đoàn viên có trình độ cao hơn có thể có trao đổi ngược lại với cán bộ đoàn, hiến kế góp phần thực hiện phong trào đoàn ở cơ sở. Như thế, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng hoạt động đoàn cơ sở. Tổ chức đoàn tập hợp, đoàn kết, giáo dục thanh niên. Còn đoàn viên tham gia sinh hoạt thì được đáp ứng nhu cầu của mình.



Mạnh Minh

Đoàn viên phải tham gia sinh hoạt Đoàn “hai chiều”
Đoàn viên phải tham gia sinh hoạt Đoàn “hai chiều”

Đoàn viên phải tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú là điểm mới trong những điểm sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn khóa IX, đã được Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X thông qua chiều 12/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN