Kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên phát triển trong khó khăn

Năm 2015, mặc dù bị tác động nặng do mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa thấp, hạn hán kéo dài nhưng kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên vẫn tiếp tục phát triển.Chính trị, xã hội được giữ vững; quốc phòng, an ninh đảm bảo.

Thu hoạch cà phê tại một nông hộ ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt giá trị tổng sản phẩm (GDP) trên 139.114 tỷ đồng, tăng 7,06% so với năm 2014, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, tốc độ huy động vốn tăng nhanh (huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 73.796 tỷ đồng, tăng 13,17%), các hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.


Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thông xe đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên trước thời hạn, các quốc lộ 14C, 19, 25, 27,28 đã nâng cấp hoàn thành một phần hoặc đầu tư nâng cấp các đoạn trọng yếu. Giao thông địa phương các tỉnh vùng Tây nguyên đã được nâng cấp 3.620 km đường huyện, trên 4.000 km đường xã…


Việc hoàn thành đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nâng cấp các sân bay cũng như triển khai nhiều dự án giao thông trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của cả vùng Tây Nguyên.


Hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động giảm nhiều so với trước. Năm 2015, toàn vùng có 2.417 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 10,2 nghìn tỷ đồng (bình quân vốn đăng ký một doanh nghiệp 4,4 tỷ đồng), thu hút 131 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 19.300 tỷ đồng. Có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài…).


Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu của các tỉnh Tây Nguyên đã hoàn thành ở mức khá cao, như chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người (thu nhập bình quân đầu người đạt 36,15 triệu đồng, tương đương 1.668 USD, tăng 12% so với năm 2014).


Sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng gần 6%. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi và mở rộng nhiều mô hình đầu tư thâm canh áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, cà phê, rau, hoa, nuôi bò, cá nước lạnh...


Chăn nuôi nhiều nơi đã chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại. Công tác bảo vệ, phát triển rừng được các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo khá quyết liệt nên tình trạng vi phạm lâm luật đã giảm nhiều, tình trạng khai thác gỗ tái phép được kiềm chế…


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư trên 88.400 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới và đã xây dựng hàng nghìn mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có một huyện (huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 61 xã đạt đủ 19 tiêu chí, trong đó có 45 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội được tập trung chăm lo, trọng tâm là Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cho vay phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín…


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đào tạo nghề cho trên 85.800 người, giải quyết việc làm cho 101.000 lao động và có nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững được triển khai. Năm 2015, toàn vùng Tây Nguyên đã giảm được được 35.000 hộ nghèo.


Như vậy, toàn vùng Tây Nguyên hiện chỉ còn 8,5% hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc tiểu số còn 18% (giảm 4,5%). Các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà tài trợ cũng đã hỗ trợ trên 300 tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào nghèo ở Tây Nguyên, chủ yếu là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…


Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…  tiếp tục phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mục tiêu chung của toàn vùng Tây Nguyên năm 2016 là giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội trên địa bàn.


Đây cũng là bước mở đầu thuận lợi cho giai đoạn phát triển 2016-2020 nhằm xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo Kết luận số 12 của Bộ Chính trị.

Quang Huy (TTXVN)
 Sắp xếp, đổi mới cty nông, lâm nghiệp 4 tỉnh Tây Nguyên
Sắp xếp, đổi mới cty nông, lâm nghiệp 4 tỉnh Tây Nguyên

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN