Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch của địa phương, vào chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ.
Chủ động sàng lọc công nhân trước khi vào nhà máy làm việc
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, tình hình dịch bệnh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cơ bản được kiểm soát. Trên địa bàn tỉnh có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450.000 công nhân. Tính đến hết ngày 30/5, Bắc Ninh ghi nhận tổng số 176 ca mắc COVID-19 tại 49 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đáng chú ý, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện thời gian qua, hơn 400 doanh nghiệp phải dừng sản xuất, khoảng 65.000 lao động buộc phải nghỉ làm.
Thực hiện phương án bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy vừa đảm bảo sản xuất, 504/1.120 doanh nghiệp đã triển khai cụ thể, sáng tạo; qua đó hướng dẫn các doanh nghiệp khác còn khó khăn, lúng túng trong việc triển khai. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, các sở, ban ngành để xây dựng tiêu chí lựa chọn công ty, đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng hướng dẫn tạm thời về phòng, chống dịch COVID-19 đối với nơi lưu trú tập trung cho người lao động khi quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa cho biết, các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân đi làm trong các nhà máy; đồng thời xem xét tạm dừng dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm lượng công nhân đi làm. Do cần xét nghiệm đầu vào cho công nhân trước khi đi làm nên các doanh nghiệp đề nghị các đơn vị có năng lực hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm để chủ động sàng lọc công nhân trước khi đưa vào nhà máy.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh tiếp tục đẩy nhanh truy vết, yêu cầu khai báo y tế, tiêm vaccine cho đối tượng đã tiêm mũi 1 và cho công nhân môi trường; lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng. Trong ngày 30/5, dự kiến lấy 19.000 mẫu xét nghiệm tại huyện Tiên Du, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, các lực lượng đang bước vào giai đoạn căng thẳng hơn, vừa chống dịch, vừa triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine cho công nhân theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng khiến công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm không hề dễ dàng với cán bộ y tế. Do đó, Sở Y tế tỉnh sắp xếp thời gian lấy mẫu phù hợp, tránh mất sức cho cán bộ y tế. Đây là yếu tố rất quan trọng trong thời gian tới.
Đối với công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xét nghiệm tầm soát tại những “điểm nóng” về dịch bệnh như bến xe, chợ, điểm thuộc huyện Việt Yên có mật độ công nhân cao... trên toàn tỉnh, trong hai ngày (28-29/5), Bắc Giang đã lấy được 45.500 mẫu. Đến nay, 36.750 mẫu đều cho kết quả âm tính với virus SARS-Co-V-2.
Số ca mắc mới trong ngày tại Bắc Giang vẫn tăng, chủ yếu là các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung và tại Núi Hiểu, Tam Tầng, Trung Đồng… thuộc huyện Việt Yên đã được phong tỏa. Huyện Việt Yên đã tổ chức di chuyển 3.000 công nhân là F1 nguy cơ thấp (đã có 2 lần xét nghiệm âm tính) ra khỏi “điểm nóng” thôn Núi Hiểu về những điểm cách ly ở các huyện trong tỉnh, đảm bảo an toàn và giảm mật độ công nhân tập trung tại địa phương xuống còn 4.100 công nhân.
Không để dịch lây lan sang các vùng an toàn
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: tuyệt đối không để dịch bệnh ở những địa bàn giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa lây lan sang các vùng an toàn trong tỉnh và các địa phương lân cận. Trong các khu cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải đảm bảo công tác hậu cần, tiếp tục giảm mật độ công nhân cư trú ở các “điểm nóng”; việc đón người đến cách ly tập trung phải tuyệt đối an toàn.
Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng không chỉ tập trung phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà cần quan tâm đến việc khôi phục sản xuất ở những cơ sở, nhà máy ở bên ngoài khu công nghiệp. “Doanh nghiệp hoạt động trở lại phải tuyệt đối an toàn. Không an toàn không được hoạt động trở lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng.
Để hỗ trợ thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải theo sát tình hình, hướng dẫn kịp thời; cùng các địa phương lân cận phối hợp chặt chẽ để kiểm sát dịch, quản lý người qua lại nhưng không gây ách tắc, lưu thông hàng hoá.
Về việc điều phối chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, không hạ cánh xuống Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Tương tự, trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ không tiếp nhận chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước trong vòng 1 tuần.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng phải tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, đặc biệt đối tượng nhập cảnh trái phép.