Không chấp nhận thủ tục rườm rà khi người dân tìm công lý

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Kiểm sát nhân dân để tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.


 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.


Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các ngành tư pháp trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân đã vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.


Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực về mọi mặt, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị với ngành Kiểm sát nhân dân.


Chủ tịch nước nêu rõ, đối chiếu với các yêu cầu của công tác tư pháp và nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn: chất lượng của công tác tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, vẫn còn bỏ lọt tội phạm và còn oan, sai, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân... Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.


Khẳng định vai trò quan trọng của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch nước nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với quá trình xây dựng các đạo luật này là phải tổng kết đầy đủ, sâu sắc, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, làm rõ những ưu điểm, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất kế thừa những quy định đang phát huy tác dụng tích cực, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và các điều kiện cụ thể ở nước ta về mọi mặt.


Chủ tịch nước nêu rõ 5 nội dung để hội nghị cùng quán triệt. Thứ nhất, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự phải được tiến hành công phu, nghiêm túc, có chất lượng. Qua tổng kết, phải làm rõ được những kết quả, ưu điểm nổi bật của các luật này; phân tích sâu sắc, cụ thể để thấy rõ những quy định nào của luật không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, những quy định nào của luật đúng nhưng do tổ chức thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh lại việc tổ chức thực hiện.

 

Thứ hai, thời gian qua, cải cách tư pháp được Đảng ta tích cực chỉ đạo và xem đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của Cương lĩnh và Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ là phải bảo đảm sự kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Qua thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thể hiện ý chí phải tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

 

Không ít ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét việc giao lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội để ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện nhằm khắc phục những bất cập trong cơ chế kiểm tra, giám sát hiện nay ở Nhà nước ta. Từ những vấn đề gợi mở nêu trên, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Hiến pháp thời gian tới và cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

 

Thứ ba, tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân theo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phải đáp ứng mục tiêu chung của việc đổi mới các cơ quan tư pháp, đó là: bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao sự độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, xác định đúng, đủ quyền năng, trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan và từng chức danh tư pháp.

 

Thứ tư, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự phải tạo lập hệ thống các thủ tục dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ, mang đậm tính nhân văn sẽ không chấp nhận các thủ tục rườm rà, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận công lý.

 

Thứ năm, để đảm đương được trọng trách nêu trên, vấn đề có tính quyết định, đó là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chủ động hơn trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

 

Hoàng Giang - Hồng Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN