Họp Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992

Sáng 17/1, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chỉ đạo phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 thời gian vừa qua. Để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo tập trung cho ý kiến, nhận xét, đánh giá vào dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; đặc biệt cần đi sâu phân tích, cho ý kiến vào việc xây dựng dự thảo định hướng những vấn đề lớn cần sửa đổi của Hiến pháp; đánh giá khách quan và đúng đắn những giá trị tư tưởng chính trị - pháp lý được thể hiện trong Hiến pháp; những thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Định hướng sửa đổi cũng phải tính đến những yêu cầu, nội dung đặt ra phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại; thể chế hóa kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

* Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về 34 kiến nghị những nội dung cần kế thừa và sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 1992. Các kiến nghị tập trung vào 7 nhóm vấn đề, trong đó nổi bật là các kiến nghị về tổ chức bộ máy thực hiện quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, về quyền con người, quyền công dân. Cụ thể là về chủ thể quyền lực nhà nước, tính thống nhất của quyền lực nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, mối quan hệ nội bộ Chính phủ; quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Tòa án NDTC, Viện KSNDTC; chính quyền địa phương và quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương; cơ chế bảo Hiến và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được xem là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động triển khai công tác tổng kết với quyết tâm cao, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng; đánh giá cao nỗ lực của Ban Chỉ đạo, đã chuẩn bị dự thảo Báo cáo tổng kết công phu, nghiêm túc, tuân thủ, quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI.

Phó Thủ tướng cho rằng, những kiến nghị được nêu trong dự thảo Báo cáo của Chính phủ cơ bản phù hợp với kiến nghị của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quyền làm chủ của nhân dân, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp...; theo hướng làm rõ, minh bạch hơn quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục làm rõ, lập luận thuyết phục, chặt chẽ, bổ sung đầy đủ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn một số vấn đề, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo; trong đó tập trung vấn đề mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.

Thanh Hòa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN