Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo hội nghị.


 

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị.  Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

 

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, Trưởng ban Tuyên giáo, báo cáo viên của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương.


Khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đã bàn và quyết định về nhiều nội dung rất quan trọng. Hội nghị đã thông qua: Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận về tình hình năm 2012 và kế hoạch năm 2013 về kinh tế - xã hội; Kết luận về Đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Kết luận về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ nghe giới thiệu Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận của Trung ương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.


Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề lớn trong các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6.


Về vấn đề đất đai, đồng chí Lê Hồng Anh cho biết: Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã bàn và kết luận một bước về nội dung này, giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để trình Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục xem xét, ban hành nghị quyết định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội.


Nghị quyết Trung ương lần này chỉ rõ: Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, cần được xác định cụ thể, phù hợp với từng loại đất, đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Quy hoạch sử dụng đất phải đồng bộ, liên thông với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất; phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, hiệu quả đất đai cho phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và các đơn vị hành chính trong cả nước; bảo đảm đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các dự án có mục đích xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Xử lý nghiêm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Thu hẹp đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất; mở rộng việc giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện giá đất do Nhà nước quy định phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và với mục đích sử dụng đất, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng, miền và địa phương trong từng thời kỳ. Chính phủ quy định phương pháp xác định giá đất và khung giá đất làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành bảng giá đất; bổ sung quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất cho linh hoạt, phù hợp hơn với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất...


Việc “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là trong Cương lĩnh và Chiến lược đã xác định rõ thêm vai trò của kinh tế nhà nước, vị trí của doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề có liên quan. Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ và ban hành Kết luận về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”.

 

Trung ương tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt và những kết quả quan trọng đã đạt được của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; trên cơ sở đó đề ra chủ trương, chính sách, biện pháp khắc phục. Các cấp, các ngành cần phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kiên quyết điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của bốn lĩnh vực chính là: công nghiệp quốc phòng; công nghiệp độc quyền tự nhiên; lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu; một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn...


Đề cập về giáo dục và đào tạo, Trung ương yêu cầu phải đổi mới từ nhận thức tư duy, mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đào tạo nghề. Đây là những vấn đề rất lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành Nghị quyết vào thời gian thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa IX và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để trình Ban Chấp hành Trung ương vào thời gian tới. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần triển khai học tập, quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kết luận này.


Về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết Trung ương tiếp tục khẳng định, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhân lực khoa học và công nghệ là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức khoa học và công nghệ là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức. Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Trong tình hình mới, cần tiếp tục ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ.


Tại Hội nghị này, các đại biểu không nghiên cứu Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013. Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu các đảng bộ, địa phương phải tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc, trên cơ sở đó, xây dựng, thảo luận và ban hành chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận của Trung ương và quyết định của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách năm 2013.


Đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Tại Hội nghị Trung ương 6, ngoài việc thảo luận các đề án và ban hành 5 nghị quyết và kết luận nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương còn thảo luận và quyết định một số vấn đề về xây dựng Đảng. Các vấn đề này đã được phổ biến tại các hội nghị báo cáo nhanh ngay sau Hội nghị Trung ương 6 kết thúc. Riêng về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4, sau Hội nghị Trung ương 6 đã xuất hiện một số dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cả mặt thuận và không thuận. Ban Bí thư đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, giải thích để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về vấn đề này. Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện thật tốt, nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Hội nghị Trung ương 4; đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội; thực hiện tốt các công việc tiếp theo mà Nghị quyết đã đề ra.


Sáng 26/12, hội nghị nghe đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ giới thiệu Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.


Hương Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN