Góp ý sửa đổi Hiến pháp trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn

Ngày 6/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.


 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 4/3, đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 17 bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Việc lấy ý kiến được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ... Các đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng. Các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến, không để các đối tượng xấu lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị dân chủ này để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gặp một số khó khăn như: Trùng với thời gian các bộ, ngành, địa phương tập trung cao triển khai công tác năm 2013, dịp nghỉ Tết Nguyên đán… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do địa hình cách trở nên sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đối tượng còn hạn chế.


Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị các địa phương cố gắng đảm bảo thời hạn hoàn thành báo cáo tổng hợp ý kiến vào ngày 15/3 để gửi đến Ban Chỉ đạo. Đối với việc tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân sau ngày 31/3, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh kế hoạch để các bộ, ngành, địa phương có phương án thực hiện.


Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, sau hơn 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có trên 3.000 lượt tin, bài phản ánh trên báo, đài của Trung ương về chủ đề này, tạo hiệu ứng cao trong xã hội.


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, khẩn trương Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thuyết phục, đa dạng, đầy đủ, nhằm tổng hợp ý kiến của nhân dân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Qua đó, cơ bản đạt mục đích đề ra, trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả trong và ngoài nước.


Phó Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hướng dẫn của Chính phủ để tiếp tục tổng hợp ý kiến nhân dân. Công tác tổng hợp cần đảm bảo đầy đủ, khách quan, trung thực. Chú trọng hơn nữa việc lấy ý kiến của các nhà khoa học, trí thức, quản lý để góp phần xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chặt chẽ, chính xác, có giá trị lâu dài; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.


Ngày 6/3, HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức kỳ họp lấy ý kiến của đại biểu HĐND đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự kỳ họp có Đoàn công tác của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Trưởng Ban biên tập làm trưởng đoàn.


Góp ý nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu HĐND huyện Anh Sơn Lê Văn Trí cho rằng: Tại Điều 2 Dự thảo Hiến pháp quy định: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Tuy nhiên, tại Điều 9 và Điều 10 không thấy đề cập đến giai cấp nông dân. Vì vậy, đề nghị tại Điều 10 thêm cụm từ “giai cấp nông dân”.


Đại biểu HĐND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Quang Trạch góp ý: Tại điều 15 nên xem xét quy định “Quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”.


Đại biểu HĐND huyện Thanh Chương Nguyễn Thị Quỳnh Nga góp ý: Lời nói đầu của Dự thảo cần viết gọn hơn. Tại Điều 2, chỉ cần viết: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” là đầy đủ ý nghĩa, thể hiện đúng bản chất nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; đề nghị bỏ đoạn: “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.


Đại biểu HĐND huyện Diễn Châu Lê Văn Cầm đề nghị sửa đổi Điều 2, Chương I: Chế độ chính trị, nên giữ nguyên cụm từ “tầng lớp” không nên dùng “đội ngũ”. Tại khoản 4 điều 5 đề nghị bỏ từ “thiểu số” vì không chỉ có dân tộc thiểu số mà tất cả các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc phát huy nội lực, hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.


lNgày 6/3, HĐND tỉnh Bình Dương đã tổ chức kỳ họp thứ 7 theo chuyên đề, thảo luận đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.


Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã đóng góp 89 ý kiến về các chương của Dự thảo, tập trung vào Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...


Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao việc Hiến pháp đã đề cập, ghi nhận về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại chương II, nhưng Điều 21 cần bổ sung thêm 1 khoản “Khi hình phạt tử hình còn áp dụng thì hình phạt này chỉ được tuyên với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ”. Lý do bổ sung là Điều 21 còn sơ sài dẫn đến những thắc mắc về sự không thống nhất giữa Hiến pháp và Bộ luật Hình sự.


Đại biểu Nguyễn Văn Hiền Phúc (Ban Pháp chế HĐND tỉnh) đề nghị ở Điều 120 nên thành lập Tòa án Hiến pháp với thực quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp theo Hiến pháp thay cho Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập nhưng chỉ có thẩm quyền kiến nghị hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh) đề nghị thêm nội dung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào Điều 1 nhằm khẳng định rõ chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn đề nghị Dự thảo giữ Điều 66 của Hiến Pháp năm 1992 "Thanh niên được gia đình, nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí lực, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.


lNgày 6/3, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ trẻ góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (HP).
Tham dự Hội nghị có GS-TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận Trung ương); TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) và TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Đây là diễn đàn để phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ trẻ thể hiện ý kiến, nguyện vọng, tâm huyết, phát huy trí tuệ tập thể tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến góp ý thống nhất khẳng định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện tính kế thừa Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới; có nhiều điều, khoản tiến bộ và có tầm nhìn gắn với nhiệm vụ và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN