Giám sát phòng, chống tham nhũng: Bài 2: Cần đổi mới phương thức

Nhiều ý kiến cho rằng cần chọn ra lĩnh vực, vấn đề then chốt để đi sâu giám sát phòng, chống tham nhũng. Đồng thời đôn đốc, theo sát sự việc đến cùng; không thể có "giám sát phòng, chống tham nhũng chung chung".

Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó chủ tịch, nguyên Tổng thư kí Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đã được quy định là giám sát mang tính nhân dân - xã hội. Nghĩa là Mặt trận thu thập ý kiến, những vấn đề nhân dân phản ánh để tập hợp, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước. Mặt trận không ban hành quyết định mang tính pháp lý đối với các đối tượng giám sát, không bắt buộc về mặt pháp lý đối với đối tượng giám sát, không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

"Điều này khác với giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, có tính pháp lý rõ ràng", ông Kim cho hay.

Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại Cục Hải quan Thành phố Hà Nội tháng 4/2017. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chính vì đặc trưng đó nên giám sát của MTTQ với tham nhũng cũng phải có phương thức giám sát riêng mới đạt hiệu quả. Từ thực tế giám sát của MTTQ hiện nay, ông Kim cho rằng nếu cứ tổ chức đoàn đông người đi giám sát thì không hiệu quả bởi thông tin tham nhũng không thể có được tại các hội nghị. Do đó, phải đổi mới phương thức giám sát, phải có những kênh đón nhận thông tin từ nhân dân, các tổ chức thành viên của Mặt trận. Kiểu thông tin này là tin báo tội phạm, tin tố giác (theo Luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng...).

Từ những thông tin này, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải xác minh tính trung thực, xác thực và chắc chắn để đưa ra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra xử lý. Phải mở ra những kênh thư báo để đón nhận thông tin từ người dân.

"Nếu không dựa trên phản ánh của nhân dân, nếu chỉ nghe báo cáo hội nghị thì chỉ toàn nghe thành tích, không thể phát hiện tham nhũng, tiêu cực, không giải quyết được vấn đề gì, tốn công sức tiền của. Đã đến lúc MTTQ và các tổ chức đoàn thể phải ứng dụng công nghệ thông tin để đón nhận thông tin tố giác từ nhân dân. Từ đó kiến nghị với cơ quan nhà nước rõ ràng, cụ thể. Nói có sách, mách có chứng", ông Kim kiến nghị.

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, dù giám sát cách nào đi nữa, nếu người đứng đầu có bản lĩnh thì vẫn có thể giám sát hiệu quả. Riêng với giám sát tham nhũng thì càng phụ thuộc vào khả năng, bản lĩnh của người đứng đầu.

Đoàn giám sát của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam làm việc tại Bộ phận một cửa, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội tháng 4/2017. Ảnh: Tạp chí Mặt trận

Điều 9 Hiến pháp đã quy định MTTQ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Do đó, Mặt trận phải khiến người dân tin tưởng thì họ mới cung cấp, gửi gắm thông tin.

Hiện nay, các cơ quan chính quyền mới chỉ trả lời được 40-50% kiến nghị của Mặt trận. Nhiều nơi cố tình lờ đi, không trả lời. Do vậy, theo ông Vũ Trọng Kim, MTTQ từ TƯ đến địa phương phải "Nhạy bén phát hiện, chọn việc can dự". Nghĩa là, Mặt trận nắm toàn bộ các sự việc mà người dân phản ánh nhưng chọn vấn đề tùy theo quy mô để chỉ đạo thông tin. Và đã chọn can dự là phải can dự sâu. Mặt trận không điều tra, buộc tội người khác mà chuyển thông tin cho Bộ Công an, ngành Thanh tra, Tư pháp.

Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng không thể là ý kiến chung chung. Kiến nghị đến đâu phải theo dõi việc điều tra và xử lý sai phạm đến đó. "Theo dõi, đôn đốc để nhanh chóng có kết quả, không để vụ việc rơi vào quên lãng. Phải có kết quả trả lời người dân, như vậy mới giữ uy tín với dân", ông Kim nói.

Bên cạnh đó, để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo - vấn đề nóng hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan chức năng. Khi Mặt trận Tổ quốc chuyển đơn thư của nhân dân đến các cơ quan hữu quan thì các cơ quan này cần có ý kiến phản hồi. Cần có chế tài về việc thực hiện của chính quyền đối với các kiến nghị của Mặt trận sau khi giám sát. Có như vậy việc giám sát của Mặt trận mới có hiệu quả.

Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, các cấp chính quyền cần có chương trình phối hợp cụ thể hằng năm với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của mình. Đặc biệt, cần tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thực tiễn cho thấy, muốn phát huy giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần phải có quy định cụ thể, sát thực, dễ hiểu, dễ làm. Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy trình tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, của nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, người uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, MTTQ có quyền kết luận trong giám sát nhưng chưa yêu cầu thực hiện kết luận giám sát và giám sát tiếp việc thực hiện này. Do đó hiệu quả giám sát chưa cao. 

"Việc giám sát phòng, chống tham nhũng phải rất cụ thể, chứ không thể nói chung chung 'tình trạng tham nhũng vẫn gây bức xúc trong nhân dân'. Theo tôi, MTTQ đã nắm được tình hình nhưng không đủ quyền lực để thực thi việc giám sát", bà Bùi Thị An nhận định. Bà An đề nghị, người đứng đầu MTTQ phải có tầm thì mới có thể phát hiện được vấn đề tham nhũng và chỉ đạo giám sát phòng, chống tham nhũng. 

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Giám sát phòng, chống tham nhũng: Bài 1: Những cái khó của cán bộ Mặt trận
Giám sát phòng, chống tham nhũng: Bài 1: Những cái khó của cán bộ Mặt trận

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp là rất quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN