Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Giải trình thấu đáo những vấn đề cử tri cả nước quan tâm

Sáng 24/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm. Trong đó tập trung vào các nội dung chính về kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả, khai thác chế biến bôxít và triển khai thí điểm hai dự án bôxít-alumin Tân Rai và Nhân Cơ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và một số nhiệm vụ chủ yếu về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đầu tư cho nông nghiệp và triển khai nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Phần I: Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, diễn biến giá tiêu dùng trong năm nay cũng theo quy luật tăng cao vào quý I, giảm dần và tương đối ổn định trong quý II và tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Đến hết tháng 11, giá tiêu dùng tăng 9,58% so với tháng 12/2009, trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hoá và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%. Tình hình giá cả tăng cao trong những tháng gần đây trước hết do biến động tăng mạnh của giá thế giới. Ở trong nước, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá, mặt khác việc tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá cùng với thiên tai lũ lụt đã làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ cung cầu và tạo áp lực tăng giá. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng vật tư, hàng hoá tăng cao, biến động về giá vàng và tỷ giá cũng tác động làm tăng giá cả thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thái Bình - TTXVN


Thủ tướng nêu bật 6 trọng tâm để tiếp tục kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát như tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương vùng bị lũ lụt sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm lưu thông và cung cấp hàng hóa kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện, than bán cho các ngành sản xuất, xi măng, giấy, phân bón; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu ở mức phù hợp. Đồng thời, điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho cả nền kinh tế, cân đối tiền - hàng trong lưu thông; kiểm soát chặt chẽ hiệu quả chi ngân sách nhà nước...

Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu và các hàng hóa phục vụ Tết, tạo điều kiện cho nhân dân ở các vùng miền trên cả nước, nhất là các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện tiếp cận nguồn hàng. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về đăng ký, kê khai và niêm yết giá, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ tăng giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác thông tin tuyên truyền sẽ được tăng cường và xử lý nghiêm việc đưa tin không chính xác gây bất ổn trên thị trường.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Về lâu dài, phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

TTN/TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN