Đồng bào, cử tri đặt niềm tin vào các đại biểu

Có 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ được lấy phiếu tín nhiệm ngày 15/11. Lần lấy phiếu tín nhiệm này, Quốc hội sẽ dành 30 phút để đại biểu ghi phiếu. Việc kiểm phiếu sẽ được thực hiện vào cuối giờ chiều 15/11, số lượng người kiểm phiếu nhiều hơn, thời gian kiểm phiếu cũng dài hơn so với lần lấy phiếu tín nhiệm trước.

Sáng 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước để triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, điều hành công việc của đất nước. Vì vậy, đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin ở từng đại biểu Quốc hội cho việc đánh giá tín nhiệm này.

Quốc hội đánh giá tín nhiệm là trọng trách của từng đại biểu. Vì vậy đòi hỏi mỗi đại biểu phải đánh giá trên tinh thần thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác.

Các chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm nên Quốc hội đã có kinh nghiệm. Hơn nữa, lần lấy phiếu này là sau gần 3 năm của nhiệm kỳ nên đại biểu có thời gian để đánh giá kỹ hơn lần trước.

“Lần trước tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào đầu năm 2013, lúc ấy được khoảng 2 năm của nhiệm kỳ nên có khó khăn. Tại kỳ họp cuối năm ngoái và kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về tình hình đất nước, về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, giữ vững độc lập chủ quyền; ban hành được nghị quyết nên tôi thấy lần này lấy phiếu tín nhiệm rất thuận lợi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, căn cứ để thực hiện đánh giá tín nhiệm lần này là báo cáo của các cá nhân thuộc diện được đánh giá. Ngoài ra, các đại biểu cũng cần căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, lập pháp, tư pháp, hành pháp,... để quyết định bỏ phiếu.

Theo đánh giá của Quốc hội, thời gian qua, công tác hành pháp, tư pháp, lập pháp có chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác lập pháp và ban hành pháp luật của Quốc hội sau lần lấy phiếu lần trước đã tích cực, nỗ lực chỉnh lý, tiếp thu ý kiến tinh hoa, trí tuệ của đồng bào, cử tri cả nước. Việc ban hành được Hiến pháp 2013 là sự đổi mới rất cao; nhất là việc ban hành nghị quyết tổ chức thực hiện Hiến pháp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Quốc hội đang và sẽ ban hành nhiều đạo luật quan trọng cả về tổ chức bộ máy nhà nước, cả về kinh tế -xã hội, quốc phòng an ninh...

Công tác hành pháp, sau thảo luận năm ngoái, thảo luận năm nay đánh giá thì mặc dù còn khó khăn nhưng tình hình kinh tế, xã hội, hoạt động quốc phòng, đối ngoại đã tạo được đà mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ trong năm 2015.

Công tác tư pháp phòng chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí cũng cho thấy hệ thống cơ quan tư pháp từ điều tra, kiểm sát, xét xử tới thi hành án đều có nhiều chuyển biến với tinh thần thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội.

“Đây là những căn cứ quan trọng để đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là một biện pháp đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó vững lòng tin vào nhiệm vụ kinh tế xã hội năm sau”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, mỗi đại biểu cần căn cứ vào quy định, nhận thức, đánh giá của mình, ý kiến của đồng bào cử tri cả nước để từ đó quyết định cho lá phiếu.

“Cho đến sáng nay (sáng 14/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nhận được một đề nghị nào của đại biểu Quốc hội yêu cầu báo cáo, giải trình về việc này. Những thông tin không chính thức, hoặc những khiếu nại, tố cáo chính thức nhưng chưa được sàng lọc, chưa được kiểm nghiệm thì chưa đủ căn cứ để các đại biểu sử dụng cho việc đánh giá”, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Trước khi họp phiên sáng 14/11, Đoàn Chủ tịch đã họp với lãnh đạo các đoàn đại biểu và thống nhất tinh thần này.

Cũng trong sáng 14/11, sau khi biểu quyết thông qua danh sách 50 chức danh lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thảo luận ở đoàn. Trên cơ sở thảo luận ở đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, báo cáo giải trình sáng 15/11, trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Xuân Phong

Thận trọng, kiểm chứng thông tin để lấy phiếu tín nhiệm khách quan
Thận trọng, kiểm chứng thông tin để lấy phiếu tín nhiệm khách quan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo với Quốc hội một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN