Đau đáu chất lượng đại biểu

Sáng 23/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội; Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, cả về những thành tựu đạt được cũng như những mặt còn hạn chế, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng xung quanh hoạt động của những thiết chế kể trên, với mong muốn nhiệm kỳ tới có thể kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Hết nhiệm kỳ, ai nấy lại về

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội đã thiếu sót khi không đánh giá tổng kết về từng đại biểu, trong khi đại biểu vẫn được coi trung tâm, là hạt nhân của Quốc hội. Việc “cào bằng” các đại biểu trong cách đánh giá chung khiến ông Quyền cảm thấy “đau lòng và xót xa”. Ông Quyền trăn trở: “Hết nhiệm kỳ là thôi, ai nấy lại về. Không có một kiểm điểm nào, không một đánh giá nào, không một vinh danh nào, không có xem xét trách nhiệm nào đối với đại biểu Quốc hội. Những người tâm huyết, làm ngày làm đêm, bản lĩnh và dám nói ra sự thật cũng như những người chẳng làm gì. Tại sao lại như vậy?”. Theo ông Quyền, điều mà người dân, cử tri chờ đợi là ở từng địa chỉ cụ thể, là từng đại biểu Quốc hội. Cử tri đã gửi gắm vào đại biểu, thì họ phải được biết trong 5 năm qua, đại biểu đã làm được cho dân những gì, chuyển tải ý chí và nguyện vọng của dân như thế nào, biến ý chí và nguyện vọng của dân thành những quy phạm của hiến pháp, pháp luật như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Bảo An

Cũng đau đáu vấn đề nhân sự, con người, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thẳng thắn: “Chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, có một điều cũng cần xem lại để rút kinh nghiệm. Đó là hiện nay, Quốc hội một số nước đặt vấn đề: Nghị sĩ có quyền ưu đãi miễn trừ hay không? Liên quan đến đó là trách nhiệm của đại biểu đối với lời nói, phát ngôn, hành động của mình. Vẫn có trường hợp mà cử tri và ngay cả đại biểu cũng nói, rằng có lẽ đại biểu đó được bầu nhầm. Nơi đại biểu đó đến không phải là Quốc hội, mà họ nói là phải đến… Trâu Quỳ hoặc nơi nào đó khác. Bây giờ là thời điểm chuẩn bị hiệp thương lần thứ ba cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nên cần phải cân nhắc, lựa chọn và bầu cho đúng người”.

Đưa luật sát hơn với cuộc sống

Đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng các đại biểu vẫn phát biểu theo kiểu xếp hàng, những vấn đề gay gắt của Quốc hội chưa được làm rõ, dẫn đến nhiều vấn đề về chính sách pháp luật để định hướng dự án luật cũng chưa rõ và trở nên phức tạp khi đi vào cuộc sống. Ông Đương đặt câu hỏi: “Từng đại biểu đã dám phản ánh những điều nhân dân tâm tư chưa, có theo đuổi đến cùng nguyện vọng của nhân hay không, hay mới chỉ nêu lên thôi?”.

Nêu hạn chế của công tác xây dựng luật là khi đưa luật vào cuộc sống thì chưa sát với thực tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngay từ đầu, giao xây dựng luật cho Chính phủ là không ổn, vì Chính phủ cũng chỉ là một bên liên quan. Đại biểu đề nghị: “Quốc hội phải đóng vai trò lập pháp, bằng cách tất cả những luật đó phải có bên thứ ba độc lập để xây dựng luật, sau đó Chính phủ cùng với đại biểu sẽ có đóng góp ý kiến. Hiện nay, mỗi văn bản luật trước khi đưa ra Quốc hội thường lấy ý kiến trong ngành trước, nhưng sau hàng chục lần góp ý (chúng tôi cũng không biết cơ chế góp ý như thế nào thì được tiếp thu) thì nó lại quay trở về chỗ cũ”.

“Với mỗi một bộ luật, cần đánh giá tác động của bộ luật ấy đối với đời sống của người dân, xã hội. Một số luật, phần đánh giá tác động vẫn còn sơ sài. Chính vì thế, cử tri phản ánh câu chuyện về sức sống của luật trên thực tế. Tại sao một số luật vừa thông qua đã phải điều chỉnh? Rất mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo, hạn chế này sẽ được khắc phục, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) góp ý thêm.

Khả năng dự báo còn hạn chế

Bổ sung vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng có một điểm quan trọng chưa làm được, đó là chưa tranh thủ được thời cơ. Ông Nghĩa nêu ví dụ: “Có thời điểm chúng ta xuất khẩu hàng chục sản phẩm, đứng tốp 5, tốp 10 thế giới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Từ chỗ xuất khẩu ồ ạt như thế, trong thời điểm thuận lợi như thế thì lẽ ra phải chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu có giá trị gia tăng, để có thể chi phối các thị trường, chẳng hạn cà phê, gạo, hạt điều, dệt may, da giày. Từ đó tăng thương hiệu, công nghệ, tăng kết nối thương hiệu để thu được giá trị lớn hơn. Đặc biệt, trong thời điểm chuẩn bị cho TPP, tham gia TPP là cơ hội vàng đối với đất nước. Những lúc này, nhất trong 5 năm qua, phải chăng chúng ta dốc sức nhiều hơn chuẩn bị cho giáo dục, đào tại nguồn nhân lực, tái cơ cấu...”.

Về những hạn chế, bất cập trong nhiệm kỳ công tác của Chính phủ, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh: “Công tác dự báo của chúng ta chưa tốt. Thiên tai là một chuyện, nhưng vấn đề ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hay hạn hán ở Tây Nguyên bây giờ, đều là do dự báo chưa tốt, dẫn đến chưa đưa ra được giải pháp tận gốc. Tôi cho rằng vấn đề quản lý Nhà nước phải rõ. Phải tổ chức thị trường để người dân khỏi bị ăn chặn, nay khóc vì hành tím, mai khóc vì khoai lang, ngày kia khóc vì dưa hấu, ngày kìa phải khóc vì thanh long. Đề nghị phải chỉ rõ trách nhiệm của bộ nào, của cá nhân nào, để khắc phục”.
Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về vấn đề chống tham nhũng; tình trạng quan liêu trong bộ máy hành pháp, tư pháp; đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, người lao động, nhất là các chiến sĩ thời gian qua đã cố gắng không để xảy ra xung đột vũ trang khi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…

Chiều 23/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Xuân Phong - Bảo An
Chủ tịch Quốc hội: Ở vị trí nào cũng đều phải phục vụ nhân dân
Chủ tịch Quốc hội: Ở vị trí nào cũng đều phải phục vụ nhân dân

"Người lãnh đạo có hai việc. Một là Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng, giao cho việc gì sẽ phải cố gắng làm cho tốt việc đó. Làm hết sức mình, tận tâm, tận lực, rèn luyện, tự vượt qua chính mình để cố gắng cùng tập thể và nhân dân làm tốt việc được giao. Việc thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt. Cả hai việc đó tôi đều đã hoàn thành nhiệm vụ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN