Báo cáo tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, đất nước tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; xử lý kỷ luật nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cả cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu.
Điều này cho thấy không có “vùng cấm”, không có chuyện “hạ cánh an toàn” trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Theo đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Đoàn Quốc hội tỉnh Thái Bình, thời gian qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện trách nhiệm với Đảng, với nhân dân trong phòng chống tham nhũng; tạo ra phong trào tốt, nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cử tri thường quan tâm nhiều đến vụ việc làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Tuân khẳng định, tại Phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (ngày 31/7/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhấn mạnh, sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào. Quan điểm này rất đúng, vì sẽ tạo ra phong trào, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phát hiện các vụ việc, đưa ra công luận những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở các cấp các ngành.
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, để thực hiện quản lý nhà nước hiệu quả hơn, nhất là trong việc chống thất thoát tài sản nhà nước, thực hiện được mục tiêu của Đảng đề ra thì vấn đề đầu tiên phải là con người, tức là công tác cán bộ.
“Đất nước ta vẫn còn đang khó khăn, cho nên làm thế nào để tiêu đồng tiền thuế của dân hiệu quả hơn. Việc xem xét các vụ việc sai phạm, vụ án tham nhũng nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí là rất cần thiết. Gần đây, một số vụ vi phạm, tham nhũng đã bị phát hiện rồi bị xử lý. Đồng thời cũng công khai, minh bạch những vi phạm đã phát hiện ra, đây là điều rất quan trọng”, bà Bùi Thị An nói.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý đã bước đầu tương thích hơn với mức độ vi phạm, trước đây có tình trạng “rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm khắc, thuyên chuyển”, thậm chí là “thuyên chuyển lên”. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố bộ máy nhà nước, người có năng lực có cơ hội phấn đấu, cống hiến nhiều hơn.
Việc công khai thông tin các vi phạm, nhất là các vụ án thất thoát kinh tế, tham nhũng; minh bạch trong cách xử lý như thời gian qua cũng để người dân giám sát, xem kết luận, xử lý vụ việc có đúng không. Đồng thời cũng để cho nhân dân thấy việc xử lý được thực hiên như thế nào.
“Kết quả thời gian qua cho thấy các vụ việc bị phát hiện đã được xử lý nghiêm, thực hiện đúng nội dung Nghị quyết của Đảng: Đã sai phạm thì không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn. Làm được việc ấy thì giải quyết được vấn đề tận gốc, tạo được niềm tin ở nhân dân. Điều này cũng thể hiện nói và làm đã rút ngắn khoảng cách, đã nói là làm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Niềm tin của dân đối với công tác phòng chống tham nhũng và xử lý tham nhũng vì thế được nâng lên”, bà Bùi Thị An khẳng định.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Tuân cũng cho rằng, việc công khai hình thức xử lý, công khai các vụ việc để cán bộ, đảng viên biết tạo niềm tin, củng cố niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên với Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chống suy thoái của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 đã nêu và Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 tiếp tục khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Tuân, kết quả phòng chống tham vừa qua nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên; nhưng cử tri cũng băn khoăn là có vụ việc kết luận mức độ vi phạm là “nghiêm trọng và rất nghiêm trọng” nhưng hình thức xử lý thì vẫn chưa nghiêm khắc.
Bà Bùi Thị An cũng cho rằng, nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý tốt hơn là có sự giám sát của nhân dân, mà trước tiên là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt là giám sát ở cộng đồng. Tuy vậy, theo như Luật phòng chống tham nhũng, phải làm sao tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng của dân. Phải có cơ chế bảo vệ thật tốt người tố cáo tham nhũng đúng thì sẽ làm cho người dân có lòng tin hơn. Người dân sẽ vào cuộc, cùng chung tay với Đảng, Chính phủ làm trong sạch bộ máy, để có thể giảm rồi triệt tiêu hiện tượng tham nhũng, đục khoét của dân.