Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 28/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đã tiếp xúc cử tri quận 1 và cử tri trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của Quốc hội, cũng như trong điều hành, quản lý của Nhà nước, như công tác xây dựng luật chưa đạt như mong muốn, nhiều công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương bị xuống cấp chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tai nạn giao thông còn nhiều, cải cách hành chính còn chậm, chưa xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp... Nhiều cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần xem xét, cân nhắc mặt lợi hại của dự án nhà máy điện hạt nhân, đồng thời thẩm tra toàn diện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp và kiến nghị của cử tri quận 1, hứa sẽ làm hết trách nhiệm của mình để chuyển tải các kiến nghị của cử tri tới các cơ quan chức năng. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc với thành phố, quận, phường cũng như với các cơ quan chức năng để giải quyết các kiến nghị của cử tri, tuy nhiên nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô không thể giải quyết ngày một ngày hai, Chủ tịch nước mong bà con cử tri cùng chia sẻ với các cơ quan chức năng, với Nhà nước.

Đồng tình với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng chất lượng xây dựng luật hiện còn chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng luật ban hành nhiều nhưng thiếu nghị định hướng dẫn thi hành khiến luật chậm được thực thi. Chia sẻ với cử tri về vấn đề nhà máy điện hạt nhân, Chủ tịch nước khẳng định Quốc hội sẽ cân nhắc sao cho đảm bảo cả về hai mặt, vừa là nhu cầu năng lượng quốc gia vừa là sự an toàn khi thực hiện dự án, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Về dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch nước nhấn mạnh Hiến pháp quy định rõ quyền biểu tình, vì vậy cần có luật để cụ thể hóa quyền cơ bản của công dân, tuy nhiên thể chế hóa vấn đề này thành một đạo luật cần thời gian xem xét và lấy ý kiến rộng rãi hơn.

Các cử tri là cán bộ, giảng viên, công nhân viên, sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy cho trường – một trong hai trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo luật. Cử tri của trường cũng chia sẻ thực trạng ngày càng nhiều sinh viên không lựa chọn vào công tác ở các cơ quan tư pháp khi ra trường, trong khi số chọn vào các công ty, văn phòng luật tư nhân tăng đáng kể; do vậy Nhà nước cần có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ được nhân lực cho các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, với vai trò, chức năng, vị trí là trường đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn tháo bỏ những rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Chủ tịch nước đồng thời mong Đại học Luật TP Hồ Chí Minh sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992, một việc làm hết sức cần thiết và hệ trọng của đất nước.

Hoàng Liên Sơn

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN