Cho ý kiến về phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục phiên họp thứ 13, ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về phân bổ hai chương trình mục tiêu quốc gia: Ứng phó với Biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường, đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật Hòa giải cơ sở; dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

 

Bố trí kinh phí phù hợp


Báo cáo của Chính phủ về việc rà soát các nội dung, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2013 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Quang trình bày nêu rõ: Năm 2013, Chương trình MTQG Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí là 131 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 83 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 48 tỷ đồng. Về phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển: Chính phủ rà soát, điều chỉnh kinh phí bố trí 83 tỷ đồng cho các dự án đầu tư thuộc dự án thành phần số 1 "Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng" và dự án thành phần số 3 "Thu gom, xử lý nước thải các đô thị loại II trở lên thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai”. Chính phủ cũng điều chỉnh phương án phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện dự án thành phần số 2 "Cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật". Theo đó cắt giảm kinh phí bố trí cho tiểu dự án Cải thiện và phục hồi ô nhiễm tại khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để bổ sung kinh phí cho tiểu dự án Cải thiện và phục hồi ô nhiễm tại khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại Hợp tác xã Hồng Kỳ, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thuộc danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được ban hành kèm theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã rà soát và cắt giảm kinh phí 500 triệu đồng từ hoạt động của Văn phòng chương trình để chuyển sang bố trí cho tiểu dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Bình nói trên.


Về chương trình MTQG Ứng phó với biến đổi khí hậu được giao tổng kinh phí là 248,3 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 79,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 168,8 tỷ đồng. Đối với phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn đầu tư phát triển được bố trí để triển khai các mô hình thích ứng thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu ở hai tỉnh Quảng Nam và Bến Tre và xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về việc phân bổ kinh phí cho hai chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường theo báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 3 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG 2011 - 2013 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở đó đề xuất với Quốc hội điều chỉnh lại các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình.

 

Tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở


Đối với các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải cơ sở, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo quan điểm “không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở”.


Về phạm vi hòa giải ở cơ sở (Điều 3), các Ủy viên Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của các đại biểu Quốc hội quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng loại trừ, theo đó chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở… Đồng thời, đề nghị rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo bao quát hết các trường hợp loại trừ, tránh lợi dụng việc hòa giải để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, quy định tại Điều này phải gắn với các nghị định hướng dẫn Luật; nội dung Điều luật phải phát huy tinh thần tương thân tương ái, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng để xử lý các vấn đề xung đột tại cơ sở, gắn với việc phòng ngừa, giữ vững sự ổn định và trật tự xã hội.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với quy định bầu và công nhận hòa giải viên tại cơ sở nhằm bảo đảm dân chủ trong việc người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên ở cơ sở, cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm và địa vị pháp lý của hòa giải viên. Việc bầu hòa giải viên nhằm thể hiện quan điểm không hành chính hóa, tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, thực hiện đúng bản chất tự nguyện, tự quyết và tự quản của nhân dân đối với hoạt động này.

 

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối


Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.


Sau 6 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn, một số tồn tại, vướng mắc đã nảy sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về ngoại hối: Các quy định về giao dịch vãng lai và sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam chưa phù hợp với mục tiêu hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, tạo nguồn ngoại tệ tiền mặt trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiền tệ.


Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn, điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới chính sách quản lý ngoại hối trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập, tự do hóa giao dịch vốn nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện, thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam về khả năng vốn và năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro của các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Một trong những định hướng cơ bản được đặt ra là thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, từng bước giảm dần tình trạng sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế, thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam.


Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị: Việc sửa đổi, bổ sung phải căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân có dự trữ ngoại hối; không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh hiện tại của các tổ chức, cá nhân; tôn trọng quyền tự chủ về sở hữu ngoại tệ của người dân. Các ý kiến tán thành cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế, cần được cân nhắc.


Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện thêm dự thảo Pháp lệnh để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối cần đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật, theo hướng tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, đồng thời cũng phải tôn trọng quyền của người dân có tài sản với nguyên tắc tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và mang tính khả thi.


Phúc Hằng - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN