Chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam

Những cố gắng tuyệt vọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cuối cùng vẫn không đảo ngược được dòng chảy lịch sử, không thắng được ý chí của cả một dân tộc quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Cố gắng kéo dài chiến tranh

Sau Tết Mậu Thân - 1968, chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ trên chiến trường Việt Nam đã phá sản. R. Nixon thí nghiệm một chiến lược chiến tranh mới: Rút dần quân Mỹ về nước; từng bước thực hiện “phi Mỹ hóa chiến tranh” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng áp dụng chiêu bài dùng người Việt đánh người Việt bằng viện trợ và vũ khí của Mỹ; kết hợp chiến tranh hủy diệt, chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt để khống chế phần lớn miền Nam, làm cho cách mạng mất chỗ dựa, tiến tới bao vây cô lập, làm suy yếu sức chiến đấu của nhân dân miền Nam, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng bị “tàn lụi”, tạo thế mạnh để Mỹ - và quân đội Sài Gòn giành thắng lợi về quân sự và chính trị. Có thể nói “Học thuyết Nixon” tuy có làm “thay đổi màu da xác chết trên chiến trường” nhưng những mục tiêu chiến lược của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn không thay đổi. Mỹ vẫn tiếp tục cố gắng kéo dài chiến tranh ở Việt Nam.


 

Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975 đã chấm dứt cuộc chiến dai dẳng tại Việt Nam và kéo theo cuộc tháo chạy bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: AFP

 

Trên trường ngoại giao, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ mới, R. Nixon đã có nhiều hoạt động “tìm kiếm hòa bình”. Những chuyến đi Bắc Kinh (2/1972) và Matxcơva (5/1972) gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Liên Xô đã giúp Nixon thu được những thuận lợi về “Vấn đề Việt Nam”.


Những “pháo đài bay” B52 và cuộc tấn công tàn bạo dịp Giáng sinh 1972 của Nixon đã không lật ngược được thế cờ và Mỹ đã phải chấp nhận Hiệp định Paris được ký chính thức ngày 27/1/1973. Nhưng Mỹ và Thiệu cũng đã dự kiến và gấp rút thực hiện những biện pháp đối phó với những bất lợi bị Hiệp định Paris quy định. Nhiều điều khoản của Hiệp định đã bị vi phạm trước khi ký và... chuẩn bị cho sự vi phạm sau khi ký. Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, Mỹ đã “đổ” cho Thiệu 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung 2 triệu tấn dự trữ vật tư chiến tranh.


Trong quá trình đi đến hòa bình ở Việt Nam, Mỹ từng bước phải “xuống thang” để rút ra khỏi cuộc chiến tranh, nhưng trong quá trình “xuống thang” đó họ vẫn có nhiều bước “leo thang” mới. Những bước “leo thang” đó phản ánh sự không thay đổi về những mục tiêu chiến lược của Mỹ. Kể từ khi Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris ngày 13/5/1968 và cả sau khi Hiệp định Paris đã được ký, cho đến ngày 30/4/1975, cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận của chiến trường Việt Nam và cả Đông Dương vẫn diễn ra quyết liệt. Con đường đi từ Hiệp định hòa bình đến Hòa bình và Thống nhất đất nước trên thực tế của nhân dân Việt Nam không bằng phẳng. Nhân dân Việt Nam cũng không ảo tưởng về sự “bằng phẳng” đó.


Suy yếu trên chiến trường và chính trường


Về quân sự, sau khi lính Mỹ rút đi, nguồn viện trợ quân sự Mỹ sụt giảm, quân đội Sài Gòn, dù được tiếp sức cấp tốc, không thể làm nổi những gì mà hơn nửa triệu quân Mỹ và gần 10 triệu tấn bom đạn đã không làm được trong những năm trước đó.


Về chính trị, Mỹ chọn giữ lại Thiệu như một bảo đảm về cơ hội để can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương, bảo đảm cho vai trò của Mỹ ở khu vực và giữ cho nam Việt Nam không bị trung lập hóa rồi cuối cùng rơi vào tay cộng sản. Thiệu là người chống cộng quyết liệt. Nếu một nhân vật ôn hòa hơn được cả hai phía chấp nhận sẽ dẫn đễn một Chính phủ liên hiệp trong tương lai và phía cộng sản - với sự ủng hộ của dân chúng - sẽ dần dần chiếm đa số trong chính quyền đó. Nhưng Mỹ đã “đặt cược” sai. Chính quyền Thiệu, tiếp nối những chính quyền Sài Gòn trước đó (do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng) là một chính quyền không có dân chúng. Lý do tồn tại của nó là chiến tranh và nguồn sống của nó chỉ là viện trợ Mỹ. Bộ máy của chính quyền này bị mục ruỗng vì nạn tham nhũng (đến mức đã báo hiệu sự cáo chung), bị hư hoại vì hàng loạt những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nảy sinh và chưa giải quyết được sau khi quân Mỹ rút đi và viện trợ Mỹ bị cắt giảm.


 

Xe tăng trong sân Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

 

Vụ Watergate đã làm R. Nixon phải ra đi khỏi Nhà Trắng và lực lượng quân sự Mỹ không còn khả năng quay lại nam Việt Nam như trước Hiệp định Paris và như lời hứa của ông ta với đồng minh ở Sài Gòn. Việc không thực hiện được lời hứa này là lý do để Thiệu và nhiều người khác kết tội Mỹ “bỏ rơi” đồng minh ở Sài Gòn. Dù sau này vẫn còn nhiều tiếng nói giận dữ và oán hận từ những đồng minh bị thất bại của Mỹ (Nguyễn Văn Thiệu và những phụ tá thân cận của ông ta) cho rằng Thiệu thua vì Mỹ đã phản bội và “bỏ rơi” nam Việt Nam, thậm chí cho rằng nam Việt Nam đã thua vì vừa phải đối phó với kẻ thù bắc Việt vừa phải đối phó với đồng minh Mỹ của mình. Nhưng nhìn từ bên ngoài, Sài Gòn sụp đổ không phải vì bị Mỹ “bỏ rơi”. Một loạt các yếu tố chính trị - xã hội trong và ngoài nước Mỹ khi đó đã ràng buộc nhiều quyết định của Mỹ, không cho phép Mỹ đưa quân hoặc chí ít cũng là B52 quay lại Việt Nam để cứu Thiệu. Điều duy nhất Mỹ có thể làm khi đó là thực hiện chiến dịch di tản khẩn cấp nhân viên sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bằng trực thăng của Hạm đội 7. Chiến dịch này kết thúc lúc 7 giờ 51 phút sáng (giờ Sài Gòn) ngày 30/4/1975.


Xu thế thống nhất là tất yếu


Sự sụp đổ của Sài Gòn tháng 4/1975, trước hết do sự suy yếu về mọi mặt của chính quyền Thiệu trước thế và lực của lực lượng cách mạng. Sự suy yếu này được thúc đẩy nhanh hơn và bị làm trầm trọng thêm bởi những tính toán và quyết định sai lầm về sách lược chính trị và chiến thuật quân sự của Thiệu.


Vượt qua mọi toan tính chiến lược và sách lược của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, xu thế chiến thắng giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước của quân và dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam là tất yếu trong sự suy yếu cả về thế và lực của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tay sai trên cả chính trường và chiến trường


Bằng tất cả ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, bằng tất cả nỗ lực hy sinh, và tận dụng được tình thế, nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng. Sự thất bại của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cùng với chiến thắng của nhân dân Việt Nam là tất yếu như nhau. Điều này không nằm trong những tính toán chiến lược của Mỹ.


Ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã có mạch nguồn từ lịch sử. Dù cho có một vài giai đoạn đất nước tạm thời bị phân ly, chia cắt do âm mưu tranh giành quyền lợi của các thế lực khác nhau song xu thế thống nhất vẫn chi phối dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Những cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn dù có cản trở, cuối cùng vẫn không đảo ngược được dòng chảy đó, không thắng được ý chí của cả một dân tộc, không thắng được quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân dân hai miền.


TS. Ngô Vương Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN