Bảo đảm thu phí đúng quy định

Chiều ngày 18/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời chất vấn của Quốc hội. Các nội dung như chuyển giao quản lý, khai thác công trình giao thông cho nhà đầu tư ngoại; thu phí; giải pháp ngăn chặn xe quá khổ quá tải được nhiều đại biểu quan tâm.

Chuyển giao quản lý, khai thác công trình giao thông

Một trong những giải pháp được cho là mang tính đột phá hiện nay của ngành giao thông là việc chuyển giao công trình giao thông cho nhà đầu tư ngoại quản lý, khai thác và thu phí. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đặt vấn đề: Liệu việc chuyển giao một số công trình như đường cao tốc, sân bay Phú Quốc, một số công trình BOT cho nhà đầu tư ngoại sẽ khiến thời gian khai thác dài, thuê nhân công rẻ và giá thu phí có thể bị đẩy cao lên?

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN



Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện tuyến Sài Gòn-Trung Lương đã chuyển giao thu phí được 5 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện chuyển giao thì họ phải kế thừa toàn bộ các điều khoản hợp đồng như nhà đầu tư trước đây đã ký, theo khung giá Bộ Tài chính quy định.

“Họ có muốn tăng giá cũng không thể tùy tiện vì phải theo các điều kiện của hợp đồng, vì vậy không thể thu phí cao. Hơn nữa, thực hiện cơ chế thị trường, nhà đầu tư nước ngoài phải trả giá hợp lý thì người lao động mới làm. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được”, Bộ trưởng nói.

“Hiện chúng ta đã làm được 524 km đường cao tốc, nếu thực hiện chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quản lý, khai thác thì có thể lấy tiền này tiếp tục làm những km đường cao tốc khác. Với cách làm đó, đến năm 2020, chúng ta có thể đạt được 2.000 km đường cao tốc”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đang xây dựng đề án tổng thể về chuyển giao công trình giao thông cho nhà đầu tư ngoại quản lý, khai thác để báo cáo Chính phủ.

Với các dự án thực hiện theo hình thức BOT, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đặt vấn đề: Việc thu phí đường bộ và đường cao tốc theo hình thức BOT hiện nay có cao không, hiệu quả của việc sử dụng đường cao tốc so với tuyến đường quốc lộ cũ như thế nào? Bộ trưởng cho biết: Mức thu phí phải thực hiện theo quy định và phụ thuộc vào tổng mức đầu tư và thời gian thu hồi vốn, lưu lượng xe… Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền mới ký hợp đồng với nhà đầu tư, quy định mức phí. Thực tế, vừa qua, khi đưa một số tuyến đường cao tốc vào khai thác như Hà Nội - Lào Cai, có những ý kiến cho rằng mức phí là quá cao. Nhưng khi trao đổi với Hiệp hội Vận tải và doanh nghiệp thì thấy, thời gian lưu thông giảm một nửa, chi phí xăng dầu, khấu hao sửa chữa giảm 30%, tuyến đường cũng an toàn hơn.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ quyết liệt chỉ đạo nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, tổng vốn đầu tư dự kiến 6 tỷ USD là rất lớn. Trong đó, nguồn vốn cho đoạn qua Tây Nguyên chỉ có một nửa, vì vậy phải huy động các nguồn lực ngoài xã hội, hoặc vay ngân hàng để đầu tư và thu phí để hoàn vốn. Tuy nhiên việc thu phí phải được tính toán rất kỹ, trạm thu phí cách nhau tối thiểu phải là 7 km.

“Để thu phí nhanh nhất, tránh thất thoát, giảm được thời gian, Bộ đang xây dựng đề án thu phí không dừng (thu phí tự động). Toàn bộ hệ thống trạm thu phí trên quốc lộ 1 sẽ thực hiện trước. Xe đi qua, máy tự động tính tiền và thông báo cho chủ xe. Từ đó kiểm soát chặt chẽ được lượng xe, các nhà đầu tư BOT cũng không giấu được doanh thu”, Bộ trưởng khẳng định.

Xử lý xe quá tải: Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng phải vào cuộc

Thời gian qua, tình trạng xe quá tải băm nát quốc lộ, mặc dù ngành giao thông đã vào cuộc nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ trách nhiệm của Bộ GTVT và các bộ, ngành trong việc xử lý xe quá tải; những giải pháp vừa qua Bộ GTVT thực hiện đã căn cơ chưa?

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc kiểm soát tải trọng an toàn là nhiệm vụ trọng tâm trong năm an toàn giao thông 2014. Hiện nay Bộ và các lực lượng liên ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như sử dụng trạm cân cố định, trạm cân lưu động. Toàn bộ xe quá tải, quá khổ được theo dõi qua các hệ thống tự động. Đến nay, gần như các bến cảng, bến tàu, bến xe, các chủ xe, chủ doanh nghiệp có xe đã ký cam kết không chở quá khổ, quá tải. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đăng kiểm, tích cực tuyên tuyền lái xe, chủ phương tiện, các hình thức xử phạt cũng nặng hơn. Vì vậy xe quá tải, quá khổ đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc xử lý tài xế né trạm cân chưa hiệu quả. Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế này và đưa ra dẫn chứng, vẫn còn tình trạng xe né trạm cân. Ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, khi xe đã được cân đúng tải trọng ở cảng, nhưng sau khi đi khoảng chục cây số thì có một bãi đáp và chất hàng lên.

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), mặc dù Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã rất quyết liệt nhưng xe quá khổ, quá tải vẫn là vấn đề hết sức nhức nhối. Chủ xe có khi còn thay đổi kết cấu sau khi đã đăng kiểm. “Phải có giải pháp thế nào để ngăn chặn chứ chẳng lẽ chúng ta bó tay”, đại biểu Cương nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Từ đầu năm đến nay đã xử lý kỷ luật 72 đăng kiểm viên, cách chức một số giám đốc và phó giám đốc… Tuy nhiên, việc kiểm soát giữa 2 chu kỳ đăng kiểm chưa tốt. Xe sau khi đăng kiểm lại tháo thùng ra, lắp thùng xe quá tải vào, thậm chí có dịch vụ cho thuê thùng hàng đi đăng kiểm. Bộ sẽ phối hợp với ngành công an tăng cường kiểm tra giữa 2 kỳ để hạn chế thấp nhất tình trạng này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương. “Nếu người đứng đầu như Chủ tịch, Bí thư của địa phương vào cuộc thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được. Vì ở địa phương, doanh nghiệp nào lớn, doanh nghiệp nào nhỏ các vị biết hết, chỉ cần gọi điện là đã có thể được”, Bộ trưởng nói.

Xuân Phong

Đến cuối năm sau sẽ không còn xe quá khổ, quá tải
Đến cuối năm sau sẽ không còn xe quá khổ, quá tải

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn là việc kiểm soát tải trọng các loại xe quá khổ, quá tải và các giải pháp phòng chống tham nhũng của ngành giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN