Băn khoăn chuyện phong tướng

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù là thời bình nhưng số lượng tướng được phong lại quá nhiều. Do vậy, cần cân nhắc việc giới hạn số tướng được phong, để nhân dân, cử tri yên tâm, đồng tình.

Tướng thời bình nhiều hơn thời chiến

Ngày 6/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều đại biểu đề nghị xem xét việc phong tướng, vì hiện nay số lượng tướng được phong quá nhiều.

Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN



Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chia sẻ tâm tư từ một cử tri: “Có cử tri hỏi tôi vì sao chúng ta phong nhiều tướng thế? Tôi hỏi, bác căn cứ vào đâu để nói vậy? Bác trả lời, sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng, mà đánh tan các đế quốc lớn. Vậy thì nhu cầu phong tướng của ta là gì. Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn. Nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần ngày xưa tức là 360 tướng thì quân đội mạnh gấp 10 lần?”.

Cũng từng là một người phục vụ trong quân ngũ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ: “Tôi ngày xưa đi bộ đội nghe tới thiếu tá đã thấy hãi rồi, giờ thì thấy quá bình thường do chúng ta quá nhiều tướng. Cần cân nhắc việc giới hạn phong tướng để nhân dân họ lắng nghe, đồng tình. Chứ còn phong nhiều quá thực sự dân cũng chưa yên tâm”.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét lại việc phong tướng ở một số chức danh, đặc biệt là ở các cơ sở giảng dạy. “Đối với học viện, như các nhà trường, người ta cần các chức danh như: Giáo sư, Tiến sĩ... chứ không phải là hàm cấp tướng. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ Chính trị”, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) nhận xét.

“Phong thăng quân hàm không phải để giải quyết chuyện chính sách, mà là để đảm bảo lực lượng quân đội vững mạnh”, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.

“Trong trường hợp nếu phong tướng để giải quyết chính sách thì cần phải tách tiền lương ra khỏi cấp bậc trong quân đội, để đảm bảo công bằng với các đơn vị sự nghiệp hành chính, khiến cho quá trình phong cấp hàm, không ràng buộc với tiền lương. Đồng thời, để đảm bảo cuộc sống, người không được tăng quân hàm thì vẫn được tăng lương”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề xuất.

Khó cắt, khó sắp xếp

Lý giải về đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm khoa Mác-Lênin và Chủ nhiệm khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Trước đây có khoa Phòng không, khoa Hải quân, khoa Pháo binh, khoa Công binh, khoa Đặc công… bây giờ tất cả nhập thành khoa Quân chủng. Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có một Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng, bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”.

Bộ trưởng nói thêm, Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo kỹ sư cho toàn quân, cả dân sự, nghiên cứu khoa học nên đề nghị cho giữ. Toàn quân chỉ có trường này to nhất. Học viện Hậu cần trước đây là 3 trường sỹ quan, trung cấp hậu cần, giờ là ba trong một. Như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư.

“Học viện quân y cũng đào tạo bác sĩ quân y cho toàn quân, vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học vừa điều trị. Trong học viện có 2 bệnh viện 103 và Viện bỏng Quốc gia của Nhà nước giao cho quân đội, trường trung cấp quân y cũng nằm trong học viện. Trường Sỹ quan lục quân trần cao nhất là Trung tướng. Tư lệnh quân đoàn, xuống làm hiệu trưởng, đào tạo sỹ quan cấp trung đội, đại đội, trung đoàn. Trường có lúc 18-20 tiểu đoàn học viên, 500 học viên sỹ quan, số lượng lớn. Sau này đưa Phó Tư lệnh binh chủng, quân đoàn, binh chủng, sư trưởng về làm hiệu phó rất khó sắp xếp”, Bộ trưởng nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Hùng Ngọc Sơn cho rằng: “Tổng số cấp tướng không giảm mà đề nghị tăng thêm, nâng quân hàm ở một số vị trí. Mong muốn giảm nhưng đề nghị tăng lên. Ngoài ra, vẫn có sự cân nhắc cấp bậc giữa các đơn vị, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cấp quận, huyện thành phố và các vùng khác. Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng, Quân chủng Phòng không không quân”.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, sau quá trình thẩm tra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đồng tình giữ nguyên quy định về trần quân hàm Đại tướng đối với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng Tham mưu trưởng.

Thảo luận về Luật Công an nhân dân

Các đại biểu cho rằng, đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là Thượng tướng. Về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan công an nhân dân (CAND), một số ý kiến đề nghị nâng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan CAND để không lãng phí nguồn nhân lực và phù hợp với Bộ luật Lao động.

Về vấn đề tách lương ra khỏi cấp bậc hàm và các chính sách đối với CAND. Đa số ý kiến tán thành với chủ trương của Đảng về việc tách lương ra khỏi cấp bậc hàm; đề nghị sớm thực hiện cải cách chế độ tiền lương; quy định cụ thể tách lương ra khỏi cấp hàm trong luật.

Về trần cấp bậc hàm đối với Giám đốc CA thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành là Trung tướng. Bên cạnh đó, trưởng công an quận là đại tá, trưởng công an huyện, thị xã là thượng tá. Tuy nhiên, “Giám đốc CA các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có trần cấp bậc hàm là đại tá là không hợp lý, phải nâng lên thành Thiếu tướng”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói.

Hữu Vinh

Trao Quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng Công an nhân dân năm 2014
Trao Quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng Công an nhân dân năm 2014

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước cho các đồng chí được thăng cấp bậc hàm cấp Tướng Công an nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN