Thực hiện '3 không' đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện cuộc vận động "3 không" (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Đồng bào dân tộc Mông xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đang gieo cấy lúa. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào, dần xóa bỏ các quan niệm và hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trước kia, người Mông ở đây quan niệm rằng, dù là anh em ruột nhưng con gái đi lấy chồng mang họ khác sẽ là người của dòng họ khác. Do vậy, các con của anh em ruột trong nhà cũng có thể lấy nhau và người cùng họ, nếu lấy nhau sẽ không phải phân chia tài sản cho người khác. Vì thế, nhiều trường hợp đã kết hôn cận huyết thống. 

Để thay đổi nhận thức của đồng bào, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền về ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hàng tháng, hoạt động tuyên truyền của cộng tác viên dân số huyện Mù Cang Chải được duy trì đều đặn, thường xuyên đến tất cả các bản. Công tác tuyên truyền, vận động “3 không” được lồng ghép với các “chiến dịch” cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các xã.

Năm 2016, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức 130 buổi truyền thông lồng ghép tại các hội nghị, họp bản, tổ nhân dân; truyền thông tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới các đối tượng vị thành niên, thanh niên tại 16 trường THCS và THPT; tổ chức truyền thông cho các già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, những người có uy tín, nhóm cho các đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tại 13 xã trên địa bàn huyện.

Ông Giàng Chứ Ly, nguyên Bí thư Đảng ủy, là người có uy tín của xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết, những người có uy tín trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong các cuộc vận động, tuyên truyền, trong đó có cuộc vận động “3 không".

Nhờ đẩy mạnh công tuyên truyền, đến nay, xã La Pán Tẩn hầu như không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng bào đã nhận thức được việc đông con là một trong những nguyên nhân chính của đói nghèo, không còn tình trạng sinh quá nhiều con. Nếu như trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của La Pán Tẩn là hơn 90%, đến nay chỉ còn khoảng 65%.

Trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Trạm Tấu - một trong hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái thuộc diện 30a có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống diễn ra khá phổ biến. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, nhiều năm nay, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể.

Đến nay, huyện Trạm Tấu đã gần như không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; tình trạng tảo hôn đã giảm. 100% thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

Xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, Bản Công là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện.

Nhờ phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, đến nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã Bản Công đã giảm đáng kể. Mô hình ở Bản Công đang được huyện Trạm Tấu nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn.

Ông Giàng A Say, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bản Công (huyện Trạm Tấu) cho biết, các thôn, bản ở Bản Công đã đưa nội dung cuộc vận động “3 không” vào các hương ước, quy ước của mình. Mặt trận Tổ quốc xã Bản Công đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp đồng bào dân tộc Mông trong xã từng bước thay đổi nhận thức. Đến nay, bà con ở Bản Công đều ủng hộ cuộc vận động, góp phần quan trọng trong việc từng bước cải thiện đời sống của đồng bào trong xã.

Giờ đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn quan niệm lấy vợ gả chồng trong dòng tộc để không phải chia tài sản. Đồng bào đã bỏ dần quan niệm cho con lập gia đình sớm để có thêm người lao động hay gia đình phải có đông con, nhiều cháu…

Ông Đỗ Trọng Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trong thời gian qua đã góp phần hạn chế và giảm được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trong đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đem lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái, dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Yên Bái đặt ra mục tiêu thực hiện giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống tại 72 xã đặc biệt khó khăn,góp phần duy trì mức sinh hợp lý, cải thiện chất lượng dân số. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “3 không”, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, pháp lệnh dân số.

Yên Bái chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học, cụm dân cư, gia đình bằng nhiều hình thức như nói chuyện, tổ chức tư vấn tại cộng đồng, giới thiệu bằng tờ rơi tại các phiên chợ; tăng cường tuyên truyền miệng và thông qua đĩa hình để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ; lồng ghép trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của địa phương...

Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Tuyên truyền chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Tuyên truyền chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Trước thực trạng nhận thức của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số về pháp luật hôn nhân gia đình ở Đồng Nai đang hạn chế; UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy của vấn nạn này gây ra, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN