Tây Nguyên mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 113.000 lao động

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2020, mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) giải quyết việc làm mới cho trên 113.000 lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Nghề làm tranh thêu tay mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư thành lập các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chỉ riêng năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã có 2.686 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,22% so với năm 2015, thu hút hàng chục ngàn lao động vào làm việc tại các đơn vị. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng là những địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất và đã thu hút được nhiều lao động vào làm việc cho các đơn vị.

Trên 160 cơ sở đào tạo nghề của vùng Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hàng trăm ngàn lao động vùng nông thôn, nhất là chú trọng đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn các học viên sau khi được đào tạo nghề đã xin được việc làm, hoặc về nhà mở các dịch vụ, tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn trước.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 56 cơ sở dạy nghề công lập, ngoài công lập hàng năm mở các lớp đào tạo nghề cho hàng chục ngàn học viên ở vùng nông thôn, chủ yếu là các ngành nghề chế biến nông, lâm nghiệp, xây dựng, mộc dân dụng, dịch vụ…41 cơ sở dạy nghề ở Đắk Lắk mỗi năm cũng đào tạo được gần 32.000 học viên, chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn nên ngoài việc xin vào làm ở các doanh nghiệp, đồng bào cũng tự mở các dịch vụ, doanh nghiệp để tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Các ngân hàng ở các tỉnh Tây Nguyên, nhất là Ngân hàng Chính sách - Xã hội cũng đã tạo mọi điều kiện để đồng bào vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, mở ra các dịch vụ tạo việc làm mới, tăng thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho hàng ngàn lao động đi xuất cảnh lao động ở Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên cũng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 680.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 10 – 12%, có 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Quang Huy (TTXVN)
Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề Tây Nguyên
Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề Tây Nguyên

Làm rõ hơn vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề vùng Tây Nguyên (đăng tải trên Báo Tin Tức Cuối tuần số 6), một số ý kiến cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN