Hỗ trợ người dân vùng căn cứ cách mạng trước đây nâng cao đời sống

Đắk Lắk đang tìm giải pháp để hỗ trợ người dân hai buôn Hang ja và Yang Kring sớm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở buôn Hang Ja vẫn duy trì ở mức cao. Ảnh: baodaklak.vn

Người dân  buôn Hang ja và buôn Yang Kring, xã Bông Krang (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vốn sinh sống ở vùng căn cứ cách mạng trước đây. Hai buôn này thường  được gọi là buôn cách mạng. Mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhưng hiện đời sống của người dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo duy trì ở mức cao.

Già làng Y Sa Liêng Hot ở buôn Yang Kring cho biết, những năm kháng chiến ác liệt, dân làng hai buôn Hang ja và Yang Kring đã di chuyển qua nhiều vùng căn cứ cách mạng, tham gia đánh giặc cùng bộ đội. Đất nước thống nhất, người dân hai buôn Hang ja và Yang Kring được chuyển về sống tại xã Bông Krang, huyện Lắk (Đắk Lắk). Tuy đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhưng đời sống của người dân trong 2 thôn này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất, thiếu nước phục vụ sản xuất. Hơn nữa, vùng đất mà đồng bào canh tác bị bạc màu, khô cằn dẫn tới năng suất cây trồng đạt thấp.

Ông Y Bang Liêng, trưởng buôn Yang Kring cho biết, mặc dù đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, nhưng do thiếu đất sản xuất, đất đai lại cằn cỗi. Người dân ở đây mong muốn được cấp thêm đất sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn để dân làng đẩy mạnh sản xuất,thoát nghèo.

Theo thống kê của UBND huyện Lắk, hai buôn Hang ja và Yang Kring có 314 hộ dân, trong đó có 277 hộ nghèo và cận nghèo, diện tích trồng lúa nước một vụ của hai buôn là 47 ha; trong số 314 hộ dân có tới 120 hộ thiếu đất sản xuất và 120 hộ không có đất sản xuất, dẫn đến đời sống kinh tế khó khăn.

Ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết: Chính quyền địa phương đang tìm giải pháp để hỗ trợ người dân hai buôn Hang ja và Yang Kring sớm vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất như đường giao thông nội buôn, công trình nước sạch để phục vụ người dân của hai buôn; vận dụng nguồn vốn từ các chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), chương trình 755 (hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn)… để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất.

Để giải quyết việc thiếu nước và đất sản xuất, trong thời gian tới huyện Lắk  sẽ tiến hành kiên cố hóa hệ thống kênh mương đưa nước về phục vụ sản xuất, đồng thời đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi một số diện tích đất của Ban quản lý rừng đặc dụng môi trường hồ Lắk có độ dốc từ 15 - 25 độ để cấp cho người dân canh tác; đề xuất thu hồi 200 ha rừng của Tập đoàn nguyên liệu giấy Tân Mai (gần khu vực buôn Hang ja và Yang Kring) để giao khoán rừng cho các hộ dân phát triển kinh tế rừng và hưởng chính sách chi dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, UBND huyện Lắk cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống các Bà  mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng ở hai buôn Hang ja và Yang Kring, hỗ trợ nhưng con em của hai buôn đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tìm được việc làm phù hợp.

Những giải pháp tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào buôn Hang ja và buôn Yang Kring  phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đều cần thời gian nhất định để thực hiện. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ  thực hiện các giải pháp để giúp người dân ở hai buôn ổn định cuộc sống lâu dài.

Tuấn Anh (TTXVN)
Ấm no trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng
Ấm no trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng

"Dù ai đi Đông về Tây/Hai bảy tháng bảy nhớ Ngày Thương binh" đây là câu thơ mà tất cả người dân ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đều thuộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN