Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài cuối: Thách thức bản lĩnh đại biểu dân cử

Người đại biểu dân cử nói chung, đại biểu HĐND nói riêng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Họ được cử tri gửi gắm, giao phó nhiều trọng trách, đại diện cho cử tri nói lên tâm tư, nguyện vọng và tham gia giải quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tiếp xúc cử tri... Để đạt được sự tin tưởng này, người đại biểu dân cử phải hội tụ đủ tố chất về trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng.

Năng lực đại biểu - điều kiện tiên quyết

Chú thích ảnh
Thường trực HĐND huyện Chương Mỹ giám sát tại xã Đồng Lạc. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Thực tế cho thấy, trong hoạt động của HĐND các cấp, chất lượng đại biểu dân cử có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định. Để HĐND thực sự đại diện cho nhân dân thì người đại biểu dân cử nhất định phải có năng lực, kiến thức và kỹ năng để có thể đưa ra được những vấn đề xác đáng, được nhiều cử tri quan tâm.

Điều kiện tiên quyết là người đại biểu đó phải có trình độ, am hiểu các quy định của pháp luật và các quy định của địa phương; am hiểu thực tế và có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm công tác thực tiễn ở cơ sở. Người đại biểu cũng phải có kỹ năng hoạt động, giám sát, chất vấn và chất vấn tận cùng của vấn đề, từ đó yêu cầu đối tượng chất vấn phải nhận thấy rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) Nguyễn Tất Thanh, năng lực của đại biểu HĐND còn thể hiện trong cách phát hiện vấn đề nào cần đưa ra cơ quan dân cử trong vô số những sự kiện, vấn đề mà cử tri, cuộc sống đặt ra. Kỹ năng phát hiện và chọn lựa vấn đề giúp đại biểu dân cử lựa chọn, chắt lọc từ những bức xúc có khi mang tính cá biệt, riêng lẻ của một vài cử tri, khái quát thành những vấn đề chung mang tính đại diện để hình thành các tư liệu sống của thực tiễn, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật. Qua đó, giúp cho đại biểu đưa được những vấn đề xác đáng, đang được quan tâm nhiều vào chương trình nghị sự, chắt lọc ra những vấn đề cần phản ánh vào trong hoạt động tại nghị trường.

Trong hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND phải chỉ ra được việc làm tốt và những hạn chế, yếu kém, sai phạm trong việc thực thi chế độ chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND, đồng thời phải đưa ra được những giải pháp tích cực để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém và xử lý đúng mức những vi phạm.

Ông Nguyễn Tất Thanh nêu dẫn chứng thực tế vấn đề mà địa phương nào gặp phải là đại biểu HĐND kiêm nhiệm chưa dành đủ thời gian thích hợp cho hoạt động đại biểu theo quy định; trình độ, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động, nhất là hoạt động giám sát của một số đại biểu… Đặc biệt, hoạt động của HĐND cấp xã hiện, ngoài vướng mắc mang yếu tố dòng họ, hạn chế chính hiện nay là đại biểu HĐND không có năng lực. Có những vấn đề xảy ra ngay tại cơ sở mà đại biểu không nắm được. Cũng vì năng lực yếu kém nên ở nghị trường hay đi giám sát, đại biểu không nghiên cứu tài liệu, không hiểu chuyên môn nên không nói được, không dám nói vì sợ sai. Có đại biểu chưa coi trọng vai trò của HĐND, cho rằng cấp xã không làm được gì, HĐND tỉnh và huyện làm hết rồi, cấp xã chỉ cần làm theo là được mà quên rằng, mọi tâm tư của cử tri cần được phát hiện, ghi nhận càng sớm càng tốt, giải quyết càng nhanh gọn.

Bản lĩnh của người đại biểu nhân dân

Chú thích ảnh
Hội đồng nhân dân huyện Chương Mỹ giám sát tại xã Trần Phú. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng Phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), điều quan trọng nhất trong hoạt động dân cử là bản lĩnh của người đại biểu nhân dân. Bởi lẽ, nếu người đại biểu dân cử đó biết mà không dám nói, vai trò của đại biểu không được phát huy. Trình độ chuyên môn của đại biểu có thể được tích lũy dần nhưng bản lĩnh không phải ai cũng có. Do vậy, người đại biểu dân cử phải có đồng thời cả “điều kiện cần” là bản lĩnh vững vàng và “điều kiện đủ” là năng lực chuyên môn.

Tiến sĩ Đinh Thế Hưng phân tích, trên thực tế, có đại biểu sẵn sàng đương đầu, đưa ra những vấn đề gai góc của cử tri để tìm giải pháp tháo gỡ, có đại biểu “giữ mình” vì cân nhắc thiệt hơn giữa việc nói ra và không nói ra. Nhiều đại biểu có tâm lý ngại va chạm, do bị ràng buộc về vấn đề nào đó mà không dám thể hiện quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai, dễ "dĩ hòa vi quý". Mặc dù, không có cơ chế buộc đại biểu dân cử phải phát biểu, phải nêu ý kiến, song hoạt động dân cử muốn chất lượng thì đại biểu phải có bản lĩnh, dám nói, dám đưa ra vấn đề nổi cộm. Bản lĩnh đó thể hiện việc người đại biểu dân cử thấy việc khó cho dân, nêu ý kiến tìm biện pháp tháo gỡ, thấy những vướng mắc, bất hợp lý, mạnh dạn nêu lên để các cấp, ngành đứng ra giải quyết, không phải thấy khó, bỏ mặc người dân phải tự xoay xở trong “vòng tròn” khiếu kiện. Tuy không có “vùng cấm” trong hoạt động của người đại biểu nhân dân, song cần cảnh báo hiện tượng một số đại biểu dân cử lợi dụng diễn đàn của nhân dân để nêu nhiều ý kiến một cách thái quá, nhằm mục đích tô hồng, đánh bóng bản thân, tạo dựng thanh thế với mục đích cá nhân...

Để người đại biểu nhân dân có điều kiện phát huy bản lĩnh của mình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách, thêm nhiều đại biểu không tham gia các chức danh của chính quyền, đoàn thể để không có liên quan và không ngại va chạm. Đặc biệt, nếu có được những cán bộ hưu có trình độ, sức khỏe tốt, nên mời tham gia các cơ quan dân cử. Những người này không làm việc trong các cơ quan nhà nước, không sợ trượt quy hoạch, trượt bổ nhiệm, không ngại va chạm… họ thấy rõ và dám nói ra những vấn đề nổi cộm trong dân. Họ không lo ngại vướng mắc khi đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát, họ có thể theo đuổi vấn đề quan tâm đến cùng, phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân theo luật định.

Mang trên vai sứ mệnh cao cả, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước… hành trang của mỗi đại biểu dân cử là tri thức, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, khát vọng phục vụ nhân dân để kiến tạo hệ thống cơ quan dân cử thực sự hiệu lực và hiệu quả, giám sát thực sự trở thành phương thức “kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Hội tụ đủ những tố chất trên, mỗi đại biểu dân cử sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và hoạt động giám sát của HĐND nói riêng. Hoạt động giám sát này được đồng bộ và chuyên nghiệp hóa bởi sự điều chỉnh kịp thời của Nghị quyết 594, lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND trên phạm vi cả nước. Điều này góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử cũng như giúp các đại biểu dân cử hoàn thành trách nhiệm hiện thực hóa nguyện vọng của nhân dân.

Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai
Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai

Mới đây, sáng 17/11/2023, trong Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN