Gần 14.700 tỷ đồng đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, Nhà nước có kế hoạch đầu tư trên 14.698 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho vùng Tây Nguyên, chủ yếu là xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi, cấp nước sạch cấp bách phòng, chống hạn, hệ thống giao thông.

Nhân viên khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Nông) trồng rừng phủ xanh khu vực lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 662,8 tỷ đồng, Trái phiếu Chính phủ trên 9.881 tỷ đồng và nguồn vốn ODA là trên 4.154,5 tỷ đồng. Trước mắt, ngay trong năm 2016, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư phát triển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 1.104 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 237 tỷ đồng.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, cấp nước… phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến hạn hán ngày càng gay gắt.

Theo quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 2.168 công trình thủy lợi, nâng tổng diện tích tưới của các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước vào mùa khô tăng lên 539.770 ha; trong đó, xây dựng mới 1.442 công trình thủy lợi. Các tỉnh Tây Nguyên cũng nâng cấp, mở rộng, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, áp dụng các công nghệ tưới hiện đại, tưới tiết kiệm nước tại các công trình thủy lợi như hồ Ayun hạ (Gia Lai), hồ Krông Búk hạ, Ea Súp hạ, các trạm bơm lấy nước ven sông Krông Ana (Đắk Lắk), Krông Nô (Đắk Nông), hồ Đạ Hàm, Đạ Tẻh (Lâm Đồng)…

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, vùng Tây Nguyên có trên 2.350 công trình thủy lợi; trong đó, có 1.013 hồ chứa, 966 đập dâng, còn lại là các trạm bơm, công trình thủy lợi khác, với trên 5.000 km kênh mương. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 241.000 ha cây trồng các loại, đáp ứng 65% nhu cầu tưới cho cây trồng cả vùng. Đồng thời, tạo nguồn cũng cấp nước cho các đô thị, công nghiệp, dân sinh và góp phần cải tạo môi trường. 100% số xã của Tây Nguyên đã có đường ô tô đến trung tâm xã trong cả hai mùa mưa, nắng… phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Quang Huy (TTXVN)
Hòa Bình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Hòa Bình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đạt nhiều kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN