Điện Biên: Đổi thay ở huyện vùng cao Nậm Pồ

Cách đây 4 năm, vào ngày 23/6/2013, tại mảnh đất biên giới cực Tây của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ ra mắt huyện mới Nậm Pồ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Nhé và Mường Chà.

Công nhân Điện lực tỉnh Điện Biên đóng điện tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Việc thành lập huyện Nậm Pồ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia của đất nước. Từ một địa bàn an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn đến nay huyện Nậm Pồ đã và đang từng bước vươn lên.

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 130 km, để đến được trung tâm huyện Nậm Pồ phải vượt qua nhiều đoạn đường còn chưa rải nhựa, lổn nhổn vũng lầy. Cuộc hành trình dường như dài hơn khi gặp trời mưa khiến đường trở nên lầy lội, trơn trượt, đất đá sạt lở tràn ra hai bên đường.

Vượt qua con đường dài, chia cắt, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn của huyện mới thành lập. Trung tâm hành chính của huyện nằm sâu ở khu vực gần biên giới, được bao quanh bởi núi đồi với diện tích vỏn vẹn khoảng 2 ha.

Ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho hay: Từ khi thành lập đến nay, nguồn lực đầu tư vào huyện còn rất hạn chế, chưa thể tạo thay đổi rõ nét về cơ sở hạ tầng. Hiện toàn huyện có 66% dân được sử dụng điện, phần lớn đường giao thông là đường đất nên việc giao thương, đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, nhiều vùng bị chia cắt, cô lập.

Địa bàn huyện Nậm Pồ đến nay vẫn chưa có bệnh viện, chỉ có một trung tâm y tế còn nhiều thiếu thốn về thuốc men, giường bệnh và trang thiết bị y tế.

Các điểm xã, bản của huyện ở cách xa nhau hàng chục ki-lô-mét nên việc phủ lưới điện cũng gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân khó được cải thiện. Ngoài những khó khăn trên, lực lượng cán bộ của huyện còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng, nâng cao trình độ cho cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển huyện.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đến nay huyện Nậm Pồ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trên con đường đến với các bản, làng vùng sâu, từ xa xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng loa phát thanh ở trung tâm xã, giúp đưa những thông tin thời sự, pháp luật về với bà con.

Nhiều đoạn đường được rải nhựa, ô tô có thể vào đến nơi. Các con suối, con sông nay đã có thêm những cây cầu mới được xây dựng vững chãi. Trên đường đi, trải ra trước mắt chúng tôi là những bãi ngô trĩu bắp, từng thửa ruộng bậc thang mới lên mạ xanh ngắt, những đàn dê đang nhởn nhơ gặm cỏ, vài ngôi nhà sàn mới được xây dựng khang trang, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần được cải thiện.

Năm 2015, huyện Nậm Pồ đã đưa cây Sa nhân vào trồng thí điểm tại xã Nà Bủng và Nậm Khăn với tổng diện tích 4 ha. Người dân tham gia trồng thí điểm được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật.

Loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cải thiện cuộc sống của bà con. Ngoài việc đưa các giống cây trồng mới, huyện cũng phát triển hai mô hình trang trại chăn nuôi gà lai chọi, gà xương đen tại xã Si Pa Phìn và xã Phìn Hồ. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện ước đạt gần 70 nghìn con, diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 100 ha...

Trong năm 2016 huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 530 lao động nông thôn; các cấp, các ngành, địa phương tích cực vận động nhân dân sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, các chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 72,09% (năm 2015) xuống còn 67,97 % (năm 2016).

Trong lĩnh vực y tế, huyện đã cấp và quản lý hơn 48 nghìn thẻ bảo hiểm y tế. Công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch tổ chức cai nghiện cho 80 người.

Thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thực hiện phổ cập, xóa mù chữ mức độ 1 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 80% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Huyện tiếp tục triển khai xây dựng, rà soát hệ thống giao thông trên địa bàn, đầu tư nâng cấp các tuyến đường để dần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Triển khai công tác, phòng chống cháy rừng, huyện Nậm Pồ tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giữa các Trưởng bản với Chủ tịch xã; chăm sóc tốt 6 ha rừng phòng hộ trồng mới năm 2015 và trồng mới 22,1 ha rừng phòng hộ tại xã Phìn Hồ; trồng hơn 95 ha rừng sản xuất tại các xã Phìn Hồ, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Vàng Đán.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Bốn năm qua, đời sống nhân dân được nâng lên một bước, kết cấu hạ tầng có sự chuyển biến, không còn phòng học tạm, đường giao thông được cải thiện, đường ô tô đã đến một số bản.

Tỷ lệ người dân được sử dụng điện đã đạt tỷ lệ 66 %. Hệ thống thương mại dịch vụ đã bắt đầu phát triển, công nghiệp thì bắt đầu có hình thái mới, sản xuất gạch, ngành nghề thủ công đan lát đang dần phục hồi.

Từ một địa bàn an ninh trật tự, kinh tế gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn…, với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Pồ đã cùng nhau đoàn kết, xây dựng huyện từng bước đổi mới, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân đang dần được cải thiện.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Điện Biên
Bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, với nguồn tài nguyên thiên thiên phong phú, đa dạng, có tổng diện tích tự nhiên 956.290 ha, trong đó diện tích rừng 760.449,82 ha, chiếm 79,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, độ che phủ rừng đạt 41,12%. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, các khu rừng nơi đây còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN