Đắk Lắk sản xuất cà phê áp dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế

Đắk Lắk là vùng trọng điểm cà phê của cả nước nhưng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê còn nhiều hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống của các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê còn khó khăn.

Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến năm 2020, tỉnh mới có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích 40.000 ha, năng suất cà phê ứng dụng công nghệ cao bình quân đạt 42 tạ cà phê nhân/ha và đến năm 2030 diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tăng lên 60.000 ha.

Vài năm trở lại đây, các đơn vị doanh nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây giống để mỗi năm cung ứng hàng chục nghìn cây cà phê giống tốt cho các nông hộ, doanh nghiệp trồng tái canh cà phê. Các doanh nghiệp và Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm, tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua nước cho cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng trên địa bàn Tây Nguyên.

Mô hình tưới nước tiết kiệm tại trang trại cà phê của gia đình chị Nguyễn Thị Thái Hà, tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cho thấy, trước đây, vào mùa khô gia đình tưới từ 3 - 6 đợt nước cho vườn cây cà phê, khi tưới dùng ống nhựa tưới vào từng gốc, với lượng nước bình quân 600 lít nước/gốc/lần tưới và tốn nhiều công. Tuy nhiên, từ sau ngày lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng hình thức tưới nhỏ giọt (tưới vào mùa khô), lượng nước tưới cho mỗi gốc cà phê bình quân chỉ có 400 - 450 lít/gốc/lần tưới.

Theo chị Nguyễn Thị Thái Hà, tuy lượng nước tưới ít nhưng được thấm đều, đủ nguồn nước nuôi cây cà phê phát triển tốt ngay trong mùa khô nên chất lượng vườn cây khá tốt, năng suất luôn đạt 4 tấn cà phê nhân/ha.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thái Hà, việc áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê vốn đầu tư không lớn (cả trang trại 22 ha mà được đầu tư hệ thống tưới chỉ có 50 triệu đồng) nhưng tưới, bón phân qua hệ thống tưới luôn đảm bảo kỹ thuật, không những tiết kiệm nguồn nước, công lao động mà môi trường sinh thái trên địa bàn được đảm bảo….

Thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh mới có trên 30.000 nông hộ sản xuất cà phê liên kết với các các doanh nghiệp để sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận như Utz, 4C, RFA, FLO…, với tổng diện tích trên 64.170 ha và sản phẩm cà phê nhân được các doanh nghiệp bao tiêu cho các nông hộ. Còn lại hàng vạn nông hộ sản xuất cà phê còn lại đều phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường cũng như áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cà phê.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 203.357 ha cà phê, chủ yếu là cà phê của các nông hộ chiếm trên 90% diện tích (các doanh nghiệp chỉ chiếm 10% diện tích) với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, các nông hộ tự trồng, tự chăm sóc, quản lý.

Do vậy, tỉnh Đắk Lắk cần sớm tổ chức lại sản xuất ngành hàng cà phê, nhất là khuyến khích nông hộ thành lập các hợp tác xã, tổ sản xuất… để thuận tiện trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê. Tỉnh cũng sớm có cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các nông hộ, đơn vị tập thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quang Huy (TTXVN)
Đắk Nông liên kết sản xuất cà phê bền vững
Đắk Nông liên kết sản xuất cà phê bền vững

Nhiều nông hộ ở tỉnh Đắk Nông đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Chứng nhận Tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (4C), Chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp (UTZ Certified)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN