04:21 20/04/2015

Chính sách mới của Nga với Trung Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 đã quyết định bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho Iran. Đây được đánh giá là một bước đi mới trong chính sách với khu vực Trung Đông của Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 đã quyết định bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho Iran. Đây được đánh giá là một bước đi mới trong chính sách với khu vực Trung Đông của Điện Kremlin.

Với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp S-300 cho Iran, Nga đang tái can dự nhiều hơn vào Trung Đông.


Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm Nhóm P5+1 và Iran vừa đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Trước đó, lệnh cấm này là biện pháp trừng phạt duy nhất mà Nga đơn phương áp đặt lên Iran từ năm 2010 nhằm nỗ lực đưa Tehran trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Đàm phán hạt nhân sẽ được các bên tiếp tục theo đuổi cho tới hoặc sau thời hạn chót 30/6, nhưng dù kết quả thế nào, thông điệp từ Moskva đã khá rõ ràng: Dù thất bại, Nga sẽ không ủng hộ những biện pháp trừng phạt mới chống Iran.

Cùng với quyết định trên, Nga cũng sẽ củng cố được vị trí nhà cung cấp vũ khí cho một trong những cường quốc khu vực Trung Đông. Nga tiên liệu rằng khả năng cao Iran và P5+1 sẽ ký được hiệp định hạt nhân toàn diện vào cuối tháng 6 tới. Khi đó, mặc nhiên các lệnh trừng phạt sẽ phải được gỡ bỏ để đổi lại các cam kết của Iran. Nhưng ngay cả khi trao đổi thương mại giữa Iran và phương Tây được nối lại, sẽ khó có khả năng phương Tây cung cấp vũ khí hay trang thiết bị quân sự cho Iran. Và Nga sẽ lấp đầy khoảng trống này để thu về hàng tỷ USD từ việc khai thác thị trường vũ khí Iran cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình.

Ngoài ra, trong một môi trường địa chính trị bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, lợi ích kinh tế không phải là điều duy nhất mà Nga đang tìm kiếm trong quan hệ với Iran. Với các quan hệ Nga - Mỹ, Nga - Liên minh châu Âu (EU) đang rất căng thẳng, giới lãnh đạo Moskva đang tìm kiếm một trật tự thế giới mới, tìm những lối ra mới trên con đường tìm lại vị thế cường quốc của mình. Để đạt được mục tiêu này, Nga đang mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ với những nước lớn, trong đó có Iran.

Quyết định chuyển giao

S-300 cho Iran, tất nhiên, đã làm Washington tức giận. Về phía mình, Nga lý giải rằng việc cung cấp một hệ thống vũ khí mang tính phòng thủ không làm ảnh hưởng tới thỏa thuận khung và thỏa thuận hạt nhân cuối cùng mà các bên đang tìm kiếm.

Quyết định của Nga cũng có khả năng làm xấu đi quan hệ với Israel. Sự khác biệt giữa hai nước liên quan tới Iran đã tồn tại từ lâu vì Nga thường cho rằng mối quan ngại của Israel về Iran thường bị thổi phồng. Tất nhiên, Moskva luôn muốn giữ quan hệ tổng thể tốt với Tel Aviv. Tuy nhiên, xung đột Nga - Mỹ đã ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Nga với một số đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á. Khi đưa ra quyết định trên, Moskva có thể nhận định rằng trong bối cảnh quan hệ với Mỹ khó lòng được cải thiện trong thời gian tới, tất cả các đồng minh của Mỹ, trong đó có Israel, sẽ đi theo chính sách của Washington trong quan hệ với Nga.

Kể từ khi cuộc chiến tại Syria bùng phát, Nga đã hứng chịu chỉ trích từ một số nước Arab, mà chủ yếu là các quốc gia vùng Vịnh. Trong khi đó, Iran là một đồng minh tự nhiên của Nga trong vấn đề Syria. Iran cũng đang rất chủ động đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, lực lượng mà Nga đánh giá là một mối nguy hiện hữu với vùng Caucase bất ổn của Nga. Mới đây, đồng quan điểm với Iran, Nga cũng đã lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự do Saudi Arabia chỉ huy vào Yemen. Do vậy, hợp đồng S-300 của Nga và Iran sẽ gây tổn hại tới quan hệ của Nga với một số nước Trung Đông nhưng bù lại Moskva và Tehran đều thu được những lợi ích khác lớn hơn.

Năm năm trước, người ta có thể nói rằng Nga không có nhiều lợi ích tại Trung Đông, ngoài một số mối quan hệ thương mại, buôn bán vũ khí còn tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh và điểm đến cho du khách Nga. Nhưng nay, bức tranh này đã thay đổi đáng kể. Syria đã trở thành biểu tượng của sự tái can dự của Nga ở Trung Đông; Ai Cập và Nga cũng đang hy vọng làm hồi sinh các mối quan hệ nồng ấm khi xưa; Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trở thành đối tác năng lượng tiềm năng của Moskva. Nhưng chỉ Iran mới có thể trao cho chính sách Trung Đông của Nga một chiều sâu chiến lược. Do vậy, quyết định đón đầu của ông Putin sẽ giúp nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới và phục vụ kịp thời cho những tính toán chiến lược của Nga sắp tới.

Thái Nguyễn