01:11 22/01/2015

Chính sách dân tộc phải gắn với mục tiêu phát triển vùng

Nhiều chuyên gia nhìn nhận: Chính sách cho đồng bào dân tộc của nước ta rất ưu việt, phong phú và đa dạng nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận: Chính sách cho đồng bào dân tộc của nước ta rất ưu việt, phong phú và đa dạng nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Nhiều chính sách… vẫn nghèo

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, các cấp chính quyền của các địa phương đã đẩy mạnh việc thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ phát triển kinh tế. Từ các chính sách chung, chính sách địa bàn, chính sách lĩnh vực và chính sách đặc thù cho từng dân tộc (trong đó có đồng bào dân tộc Khmer) đã được cụ thể hóa và ngày càng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường ở khu vực.

Tỷ lệ hộ nghèo và khả năng tái nghèo còn cao trong đồng bào Khmer vùng ĐBSCL.


Theo đó, các chính sách hiện hành nhằm khuyến khích đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ phát triển kinh tế, tập trung vào các nội dung như: Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, đảm bảo cho đồng bào các dân tộc; đổi mới cơ cấu quản lý thích hợp với vùng đồng bào dân tộc; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, ThS.Nguyễn Thị Nghĩa, Học viện Chính trị Khu vực IV, đánh giá: Dù có nhiều chính sách như vậy và tỷ lệ hộ dân tộc nghèo tuy có giảm nhưng số hộ phát sinh nghèo mới lại tăng. Số hộ dân tộc nghèo không có đất sản xuất và thiếu đất sản xuất, đã từng có đất sản xuất nhưng cầm cố cho hộ khác có xu hướng ngày càng nhiều lên. Chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Theo ThS.Nguyễn Thị Nghĩa, hạn chế là do chưa gắn kết chặt chẽ giữa việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi với hoạt động khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn. Việc bố trí vốn cho các dự án thành phần còn quá chênh lệch. Phần lớn các địa phương tập trung cho đường giao thông nông thôn. Còn dự án về ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm và dự án quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết cũng như dự án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho xã, ấp, phum, sóc còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giải quyết việc làm chưa tốt, chưa hướng đồng bào vào việc khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ giáo dục mới chỉ thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo còn một bộ phận học sinh nghèo do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn phải bỏ học nhưng chưa có chính sách trợ giúp.

Việc đào tạo nghề tại địa phương trong thời gian qua đa số là đào tạo ngắn hạn, chưa đáp ứng nhu cầu việc làm, chưa gắn đào tạo với nhu cầu và thu nhập cho người lao động. Các dự án phát triển kinh tế chưa giải quyết về đa số nhu cầu việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn nên một bộ phận lao động phải tự tìm việc làm ở các khu vực khác.

“Mắc kẹt” từ chính sách


Một số chuyên gia nhìn nhận, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer trong những năm qua vấp phải những giới hạn nói trên là do trong thời gian dài các chính sách ban hành quá nhiều và chồng chéo, nhất là giữa chính sách đối với vùng miền và chính sách tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc Khmer.

PGS, TS.Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, chính sách đối với hộ nghèo, vùng nghèo có quá nhiều, làm cho nguồn lực bị phân tán, khó tổ chức lồng ghép.

Hiện nay có những chính sách đã ban hành nhưng không hiệu quả và thậm chí còn là lực cản trong công tác giảm nghèo, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng theo Quyết định 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/3/2008, Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009.

Trong các chính sách dành cho đồng bào dân tộc Khmer, phần lớn là chính sách “cho không” như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở... Do đó, tạo ra hệ quả nhiều địa phương, cấp cơ sở lẫn đồng bào Khmer đều không chủ động phát triển sản xuất, tìm giải pháp sinh kế bền vững, ngược lại thụ động để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ như đã đề cập ở trên. “Văn bản về giảm nghèo ở mức “bội thực”, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo. Hàng chục năm trời không thực hiện hết được chính sách, cứ đầu tư rải hết năm này đến năm kia, phân tán lãng phí vô cùng”, PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho hay.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng, đến nay còn lẫn lộn phạm vi chính sách vùng và chính sách dân tộc. Chính sách cho vùng hay chính sách, chiến lược phát triển vùng là thuộc sự chỉ đạo chung của Chính phủ với sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan. Chính sách dân tộc là nhằm tác động đến các cộng đồng tộc người trong một vùng nào đó. Nếu đã có chiến lược hay chương trình, quyết định của Chính phủ về phát triển vùng thì phải xem xét, kết hợp với chính sách dân tộc. Chính sách dân tộc không thể tách ra khỏi các mục tiêu, nội dung cơ bản của vùng mà là cụ thể hóa cho sát hợp với nhu cầu phát triển của các dân tộc trong vùng để hòa nhập vào mục tiêu phát triển chung.

Chính vì sự lẫn lộn như vậy, các địa phương triển khai chính sách tác động vào vùng nhưng do từ nhận thức đến nội dung “lửng lơ” nói trên đã dẫn đến thực trạng đầu tư cho vùng dân tộc Khmer chưa đủ tầm, đủ độ. Nguyên nhân này còn do quy trình làm chính sách chưa rõ (phát hiện vấn đề, nắm nhu cầu thu thập thông tin, phương pháp tổ chức xây dựng nội dung, sự kiểm nghiệm, điều chỉnh, ban hành, nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá).

Bài và ảnh: Đức Anh