Thanh Hóa: Doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội tăng đột biến

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2017 đến nay, số đơn vị nợ đọng Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng đột biến.

Trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, có những doanh nghiệp nợ kéo dài đến cả chục năm với số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhiều biện pháp xử phạt đã được đưa ra, nhưng xem ra vẫn chưa có chế tài mạnh đủ sức răn đe đối với các đơn vị nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế hiện nay.

Trong số 4.012 đơn vị đang tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn Thanh Hóa hiện có tới 3.046 đơn vị nợ đọng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với tổng số tiền nợ trên 262 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.500 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, một số đơn vị nợ kéo dài với số tiền lớn như: Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp 2 (Thành phố Thanh Hóa) nợ gần 20 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Licogi 15 Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) nợ 11,3 tỷ đồng, 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin nợ 12,6 tỷ đồng... Nợ đọng Bảo hiểm xã hội đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu cho công tác an sinh xã hội cũng không được đảm bảo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trong đó phải kể đến những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chăn nuôi. Thế nhưng cũng có những đơn vị không hề khó khăn, nhưng vẫn cố tình trốn đóng, nợ đọng Bảo hiểm xã hội, thậm chí hàng tháng vẫn trích trừ các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của người lao động nhưng không nộp mà sử dụng vào mục đích khác.

Điều đáng nói là ngoài những doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không có nguồn tài chính để nộp, thì vẫn còn không ít doanh nghiệp dù có khả năng đóng Bảo hiểm xã hội nhưng vẫn tìm mọi lý do để trì hoãn hoặc trốn tránh nghĩa vụ. Khó khăn trong công tác thu nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay là nhiều đơn vị, doanh nghiệp có thái độ coi thường pháp luật, không hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ...

Để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều biện pháp “mạnh tay” như: Không cho các đơn vị nợ đọng bảo hiểm tham gia đấu thầu, thi công các dự án; công khai việc nợ đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng... Hiện các cơ quan chức năng liên quan ở Thanh Hóa đang tăng cường phối hợp để xem xét hồ sơ, hoàn tất các thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài, cố tình trì hoãn, trốn tránh nghĩa vụ tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa còn chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án đối với những đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án để thực thi bản án có hiệu lực.

Hoa Mai (TTXVN)
Hà Nội có trên 6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Hà Nội có trên 6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 8/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện công tác và nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN