Bệnh nghề nghiệp nào được bảo hiểm xã hội chi trả?

Bạn đọc báo Tin Tức có hỏi: Hiện nay, có bao nhiêu bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH)? Chế độ khám, chăm sóc với người mắc bệnh nghề nghiệp ra sao?

Nhận thuốc theo chế độ bảo hiểm tại bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN.

Về vấn đề này, theo Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định rõ về chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Điều 21 quy định: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.


Khi khám sức khỏe theo quy định, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.


Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.


Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.


Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy .


Còn theo Thông tư 15/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp, gồm các nhóm sau:


-Nhóm bệnh bụi phổi nghề nghiệp do silic, amiăng, bông, talc, than và bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp.


-Nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do chì, benzen và đồng đẳng, thủy ngân, mangan, trinitrotoluen, asen, hóa chất bảo vệ thực vật, nicotin, cacbon monoxit, cadimi.


-Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý tác động gồm điếc do tiếng ồn, bệnh giảm áp, bệnh do rung toàn thân và rung cục bộ, bệnh phóng xạ, bệnh đục thể thủy tinh.


-Nhóm bệnh da nghề nghiệp gồm bệnh nốt dầu, bệnh sạm da, bệnh viêm da tiếp xúc do crôm, bệnh da do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài, tiếp xúc cao su tự nhiên và hóa chất phụ gia cao su.


-Nhóm bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp gồm: Bệnh Leptospira, viêm gan virut B, lao, HIV, viêm gan C, ung thư trung biểu mô.


Cũng theo Thông tư 15/2016/TT-BYT, người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được người sử dụng lao động bố trí vị trí làm việc hạn chế tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó.


Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cần được tạo điều kiện và phải được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp phải được thải độc, giải độc kịp thời, đồng thời điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.


Riêng đối với một số bệnh nghề nghiệp (bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, do rung toàn thân, nhiễm độc mangan, các bệnh bụi phổi nghề nghiệp trừ bệnh bụi phổi bông) và ung thư nghề nghiệp, ung thư do các bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định thì cần phải chuyển khám giám định ngay.

XC/Báo Tin Tức
Bệnh nghề nghiệp: 'Sát thủ' tàn phá sức khỏe thầm lặng
Bệnh nghề nghiệp: 'Sát thủ' tàn phá sức khỏe thầm lặng

Xu thế hội nhập với nhiều ngành nghề mới, sử dụng nhiều hóa chất đang làm tăng số ca mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) cả cấp tính và mãn tính tại Việt Nam. Vì thế BNN được ví như "sát thủ" tàn phá sức khỏe người lao động thầm lặng nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp và người lao động quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN