Thanh tra, xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm

Mặc dù Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cùng các ngành liên quan đã triển khai nhiều biện pháp nhưng một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn vẫn nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Khắc phục tình trạng này, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai mạnh biện pháp thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm các đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Chú thích ảnh
Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân. Ảnh tư liệu, minh họa: TTXVN

Số nợ bảo hiểm xã hội còn cao

Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, lũy kế đến hết tháng 11/2023, toàn thành phố còn hơn 85.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm với tổng số tiền hơn 5.458 tỷ đồng; trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là gần 1.854 tỷ đồng, bằng 2,88% so với tổng số tiền cần thu. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng của các doanh nghiệp, đơn vị kéo dài từ 12 tháng trở lên là 1.845 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng số tiền chậm đóng; số tiền chậm đóng dưới 12 tháng là hơn 1.820 tỷ đồng, chiếm 33,35% tổng số tiền chậm đóng.

Để khắc phục tình trạng nợ, chậm đóng, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra đối với các đơn vị nợ. Đầu tháng 12/2023, đơn vị đã phối hợp với Thanh tra thành phố công bố quyết định thanh tra về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại một số doanh nghiệp năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thu Hiền (Phó trưởng Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo 4, Thanh tra thành phố, Trưởng đoàn Thanh tra), căn Quyết định số 6140/QĐ-TTTP (P4) ngày 4/12/2023 của Thanh tra thành phố, Đoàn được thành lập với 3 tổ, mỗi tổ có 6 - 7 thành viên thực hiện thanh tra tại 45 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2023 đến thời điểm thanh tra và các nội dung liên quan ngoài thời kỳ thanh tra (nếu có). Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy mức độ, Đoàn liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp.

Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Trọng Hòa cho biết, cơ quan Thanh tra và các cơ quan chức năng rất chia sẻ với những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp, đơn vị gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Do đó, Thanh tra thành phố yêu cầu các đơn vị đang nợ, chậm đóng các loại bảo hiểm cần cố gắng khắc phục, đóng, nộp số tiền chậm đóng trước thời điểm thanh tra. Điều này thể hiện trách nhiệm với người lao động và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chú thích ảnh
Đại diện các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Kết hợp thanh tra với hướng dẫn thực hiện pháp luật

Theo thống kế, trong số 130.000 đơn vị sử dụng lao động do Bảo hiểm Xã hội thành phố quản lý có rất nhiều đơn vị thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết, qua theo dõi, một số đơn vị vẫn để tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động ở mức cao.

Tính đến hết ngày 30/11/2023, trên địa bàn thành phố có một số đơn vị nợ số tiền lớn như: Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX (tầng 2, tòa 25T1, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy) nợ 45 tháng, với số tiền hơn 55 tỷ đồng; Công ty Cổ phần LILAMA3 (số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) nợ 107 tháng, số tiền hơn 44 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh) nợ 41 tháng,  số tiền trên 35 tỷ đồng...

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố phân tích, việc nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm sẽ bị các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài nghi ngại khi ký kết các hợp đồng, hợp tác sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, quan ngại nhất là các đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm phải đối mặt với việc bị người lao động kiện ra tòa; bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ Luật hình sự.

“Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung, hết sức cố gắng khắc phục ngay tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để thể hiện trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, cũng như để giảm rủi ro pháp lý đối với đơn vị”, ông Vũ Đức Thuật nhấn mạnh.

Với quyết tâm giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ông Vũ Đức Thuật thông tin thêm, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện cao điểm thanh, kiểm tra, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội; chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về nâng cao hiệu lực hiệu quả các cuộc thanh, kiểm tra. Bảo hiểm Xã hội thành phố coi thanh, kiểm tra là “cú đấm thép” để các doanh nghiệp, đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm phải chấp hành quy định của pháp luật. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục toàn bộ số nợ bảo hiểm xã hội sau thanh, kiểm tra.

Bảo hiểm Xã hội thành phố chỉ đạo, quá trình thanh, kiểm tra cần kết hợp với hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kiên quyết xử phạt đối với hành vi nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội với mục tiêu cao nhất là thu hồi, giảm nợ năm 2023, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội thành phố tập trung tuyên truyền, đối thoại với người lao động và doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập, tạm dừng hoạt động hoặc đã dừng hoạt động, Bảo hiểm Xã hội thành phố sẽ phối hợp với cơ quan thuế theo sát, nắm tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, làm căn cứ triển khai các biện pháp đôn đốc thu”, ông Vũ Đức Thuật cho biết.

Mạnh Khánh (TTXVN)
BHXH Việt Nam đôn đốc thu, giảm tỷ lệ chậm đóng xuống mức thấp nhất
BHXH Việt Nam đôn đốc thu, giảm tỷ lệ chậm đóng xuống mức thấp nhất

Hướng tới giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xuống mức thấp nhất, BHXH Việt Nam vừa có công văn chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN